Nới lỏng quy định hành nghề kế toán
Chính trị - Ngày đăng : 15:38, 10/06/2015
Đánh giá chung về dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hoạt động kế toán đang phát triển mạnh mẽ, việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán là cần thiết. Dự thảo luật đã có bước tiến bộ lớn trong điều chỉnh hoạt động này, đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng như mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Luật; bổ sung nguyên tắc hạch toán theo giá trị hợp lý, báo cáo tài chính nhà nước, kiểm toán nội bộ, hành nghề kế toán, cơ quan kiểm tra kế toán; sửa đổi quy định về các điều cấm...
Tuy nhiên, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá sâu sắc về quá trình thực thi Luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn, xác định đầy đủ các nội dung chưa được quy định ở Luật Kế toán hiện hành để có quy định bao quát các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến công tác kế toán, bảo đảm tính ổn định và đời sống lâu dài của Luật.
Đáng chú ý, các đại biểu cho nhiều ý kiến liên quan đến các quy định về hành nghề kế toán. Theo các đại biểu, những quy định này trong luật là quá chặt chẽ, gây khó khăn cho hoạt động kế toán, trong khi nghề kế toán không phải là loại hình nghề nghiệp cần điều chỉnh khắt khe.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính – Tiền Giang cho rằng, quy định của dự luật về tiêu chuẩn kế toán trưởng cần 3 năm kinh nghiệm là quá khắt khe.
“Theo tôi, dự luật chỉ cần quy định cá nhân hành nghề kế toán trưởng phải có bằng đại học và tối thiểu 1 năm kinh nghiệm hoặc có bằng cao đẳng và tối thiểu 3 năm kinh nghiệm. Thực tế, các doanh nghiệp lớn đều tuyển người giữ vị trí kế toán trưởng rất cẩn thận, nếu dự luật quy định chặt thì sẽ không có đủ kế toán trưởng đáp ứng nhu cầu của xã hội và sẽ làm phát sinh khả năng một người sẽ cùng lúc làm kế toán trưởng cho nhiều doanh nghiệp”, đại biểu Tính nói.
Chung quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng – Quảng Trị cho rằng, điều kiện để hành nghề kế toán là quá khắt khe.
“Nghề kế toán đơn thuần chỉ là các thao tác, cần sự cẩn thận, được đào tạo là có thể làm được. Do đó, tôi cho rằng người hành nghề kế toán chỉ cần có bằng cao đẳng là đủ”, đại biểu Đồng nói.
Theo đại biểu Đồng, việc quản lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ và hành nghề kế toán phải mang tính mở, thúc đẩy sự phát triển, chứ không nên quy định rườm rà, phức tạp như trong dự luật, trong khi dịch vụ kế toán là ngành nghề thuần túy dịch vụ, mang tính nghiệp vụ đơn giản. Đại biểu Đồng đề nghị dự luật nên bỏ bớt thủ tục, cá nhân chỉ cần có chứng chỉ hành nghề kế toán là đủ để được hành nghề. Với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, cũng không nhất thiết quy định người đứng đầu đại diện theo pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề kế toán, bởi họ không nhất thiết phải trực tiếp làm nghiệp vụ vì hoạt động chính của họ là điều hành, trong khi một doanh nghiệp có thể kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy – TP. Hồ Chí Minh tán thành việc mở rộng phạm vi của dự luật đi cùng với bổ sung trách nhiệm người đứng đầu các doanh nghiệp về hoạt động kế toán nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, rõ ràng hơn nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Về các quy định hành nghề kế toán, theo đại biểu Thúy, quy định hiện hành yêu cầu các tổ chức khi kinh doanh hoạt động kế toán phải thành lập doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề kế toán, cá nhân hành nghề kế toán phải có chứng chỉ hành nghề. Nhưng dự luật mới lại loại trừ cá nhân được phép hành nghề kế toán, đồng thời bổ sung 2 loại thủ tục hành nghề là chưa phù hợp vì làm phát sinh thêm thủ tục không cần thiết.
“Khi hành nghề kế toán, với cá nhân, chỉ cần có chứng chỉ hành nghề là đủ, còn với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động kế toán thì chỉ cần có giấy phép kinh doanh. Nếu chúng ta thêm các thủ tục thì lại làm phát sinh cơ chế xin-cho”, đại biểu Thúy nói.
Đại biểu Hoàng Thanh Tùng –Sóc Trăng cũng nhận xét, dự luật đã bỏ quy định về hành nghề dich vụ kế toán đối với cá nhân mà không giải trình rõ lý do là chưa hợp lý.
“Dường như mục đích chính của việc không quy định hành nghề dịch vụ kế toán với cá nhân là để khắc phục hiện tượng hành nghề kế toán bất hợp pháp, không đăng ký hành nghề. Nhưng thay vì quy định và có chế tài đủ mạnh với những người hành nghề kế toán bất hợp pháp và doanh nghiệp sử dụng kế toán viên hành nghề bất hợp pháp, dự thảo luật lại bỏ quy định về đối tượng này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật là không hợp lý”, đại biểu Tùng nói.
Nhất trí phải cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, các đại biểu Ma Thị Thúy – Tuyên Quang, Trần Thị Quốc Khánh – Hà Nội đề nghị dự luật cần làm rõ cơ quan có thẩm quyền xác nhận yêu cầu về chuẩn mực đạo đức, “cơ quan có thẩm quyền” cấp giấp chứng chỉ hành nghề kế toán. Đại biểu Thúy đề nghị thêm, dự luật nên giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc thi cấp chứng chỉ hành nghề kế toán.