Tăng trách nhiệm cá nhân khi dự báo sai, gây hậu quả
Chính trị - Ngày đăng : 15:01, 10/06/2015
Theo Chính phủ, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển ngành khí tượng thủy văn, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động khí tượng thuỷ văn đến thời điểm hiện tại là Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn, ban hành từ năm 1994. Ngoài ra, hoạt động khí tượng thủy văn và vai trò, trách nhiệm của ngành khí tượng thủy văn còn được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc một số ngành, lĩnh vực khác có liên quan.
Qua tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật về khí tượng thủy văn giai đoạn 1994 - 2014 cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn hiện tại chưa đầy đủ và không có hệ thống nên đã không bao quát được các hoạt động khí tượng thủy văn đang ngày càng phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Khí tượng thủy văn là cần thiết nhằm tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thuỷ văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thuỷ văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thuỷ văn trong các lĩnh vực kinh tế xã hội có hiệu quả. Đồng thời, Luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật khí tượng thủy văn gồm 11 Chương, 61 Điều, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Về hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn, dự luật đưa ra hành lang pháp lý nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn, thu lại một phần chi phí cho các hoạt động khí tượng thủy văn của Nhà nước để tái đầu tư, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tạo ra giá trị gia tăng, mang lại lợi ích kinh tế ngày càng cao từ nguồn thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.
Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật khí tượng thủy văn |
Thẩm tra dự án Luật khí tượng thủy văn (KTTV), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật KTTV nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về KTTV và hoạt động thực tiễn.
Ủy ban KH,CN&MT đánh giá, về cơ bản, nội dung của Dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, làm rõ hơn các nội dung của Dự thảo Luật liên quan đến các công ước, điều ước quốc tế và các luật khác để bảo đảm phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Góp ý cho những nội dung cụ thể của dự thảo luật, đặc biệt là về trách nhiệm dự báo, cảnh báo KTTV, một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, thông tin dự báo, cảnh báo KTTV có tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Thông tin không chính xác về các hiện tượng KTTV nguy hiểm có thể gây thiệt hại lớn đến KT-XH. Vì vậy, Ban soạn thảo cần bổ sung điều, khoản quy định về trách nhiệm dự báo, cảnh báo KTTV trong trường hợp thông tin dự báo, cảnh báo không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Có ý kiến cho rằng, quy định về thẩm quyền cấp phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn chưa rõ ràng. Ban soạn thảo cần làm rõ: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền cấp phép cho tổ chức, cá nhân trong phạm vi địa phương hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV có trụ sở tại địa phương hay cho tổ chức, cá nhân mà hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV của tổ chức, cá nhân này được thực hiện trong phạm vi địa phương? Hơn nữa, việc phân cấp cấp phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV cho cấp tỉnh từ trước đến nay chưa được quy định. Do đó, cần cân nhắc thật kỹ quy định này.