“Gáo nước lạnh” cho đảng cầm quyền
Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 10/06/2015
Những người ủng hộ đảng cầm quyền AKP thất vọng trước kết quả bầu cử. |
Kết quả này được xem là một "gáo nước lạnh" dội vào tham vọng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Bởi lẽ, ông là người tích cực nhất trong chiến dịch vận động tranh cử cho AKP với kỳ vọng đảng này không chỉ giành đa số tuyệt đối để tiếp tục tự thành lập chính phủ mà còn sở hữu số phiếu lớn đủ mức để có thể sửa đổi Hiến pháp năm 1982 với mục tiêu chuyển từ chế độ nghị viện sang chế độ tổng thổng. Tức là tập trung thực quyền vào tổng thống chứ không phải nằm trong tay thủ tướng như hiện tại.
Trên thực tế, kết quả bầu cử phản ánh đúng dự đoán của các nhà quan sát về tình hình chính trị nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng không hài lòng với chính sách độc đoán và bao che tham nhũng của đảng cầm quyền. Điều đó thể hiện trong cách điều hành của Tổng thống R.Erdogan mà ngay những người thân cận của ông như cựu Tổng thống Abdullah Gul và Phó Thủ tướng Bulent Arinc cũng phải có ý kiến không đồng thuận. Bên cạnh đó, ý định thâu tóm quyền lực một cách công khai của Tổng thống R.Erdogan cũng là nguyên nhân khiến nhiều cử tri quay lưng với AKP.
Thất bại của AKP làm tan "giấc mộng" của đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và đây cũng là lần đầu tiên chính đảng này để mất thế độc tôn trên chính trường kể từ khi lên nắm quyền cách đây 13 năm. Với kết quả trên, AKP sẽ phải thành lập một chính phủ liên minh hoặc thành lập một chính phủ thiểu số tạm thời để hướng tới bầu cử trước thời hạn. Thế nhưng, việc thành lập chính phủ liên minh với một trong số các đảng đối lập sẽ không dễ dàng. Một cái bắt tay với đảng Cộng hòa nhân dân (CHP) cánh tả không phải là lựa chọn dễ chịu, bởi sẽ rất khó hòa hợp giữa các chính sách của một đảng cánh hữu như AKP với những chủ trương mà một đảng cánh tả như CHP theo đuổi. Hơn nữa, với việc CHP giành kiểm soát 133 ghế nghị sĩ, AKP sẽ phải chia sẻ nhiều ghế bộ trưởng khi liên kết với CHP. Nếu liên kết với đảng Dân chủ nhân dân (HDP) của cộng đồng người Kurd - đảng phái lần đầu tiên giành được quyền đại diện tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ với 13,9% phiếu bầu, AKP sẽ phải điều hành một liên minh lỏng lẻo khi số phiếu chỉ vừa đủ vượt qua mốc 330 ghế để thúc đẩy kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của Tổng thống R.Erdogan. Thêm nữa, điều này chắc chắn sẽ buộc phe cầm quyền phải nhượng bộ những vấn đề liên quan đến người Kurd, một kịch bản khó khả thi bởi cho tới thời điểm hiện tại, thủ lĩnh của HDP Selahattin Demirtas vẫn bác bỏ khả năng liên minh với AKP trong chính phủ mới. Đảng Hành động dân tộc (MHP) sẽ là lựa chọn cuối cùng với AKP bởi một liên minh với MHP sẽ có nguy cơ làm gia tăng khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa. MHP không ngừng chỉ trích những chính sách kiểm soát truyền thông và xu hướng Hồi giáo hóa của AKP trong khi luôn gắn bó với chủ nghĩa thế tục mà nhà sáng lập Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt nền móng.
Theo Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, AKP có 45 ngày để thành lập chính phủ mới sau khi kết quả chính thức cuối cùng được xác nhận. Trong trường hợp không thể liên kết với bất kỳ đảng nào, AKP vẫn còn một lựa chọn, đó là thành lập chính phủ thiểu số và chấp nhận khả năng bầu cử trước thời hạn. Tuy nhiên, với uy tín ở mức hiện tại, AKP khó có thể xoay chuyển tình hình trước các đợt "sát hạch" mới.