Bát cháo ấm lòng bệnh nhân nghèo
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:19, 10/06/2015
Thương người như thể thương thân
Vào một buổi chiều ngày đầu tháng 6-2015, chúng tôi tìm đến nhà chị Bùi Kim Phụng (49 tuổi), tổ trưởng tổ nấu cháo khu dân cư Cầu Bươu. 6h tối, trời vẫn hầm hập nóng, phả không khí ngột ngạt ngoài phố len lỏi vào từng nhà. Thời điểm này cũng là lúc chị Phụng và các thành viên trong tổ tất bật nấu những nồi cháo từ thiện cho các bệnh nhân ở Viện Bỏng quốc gia. Người nhóm lò, người đong gạo, ngâm đậu, trên trán lấm tấm mồ hôi, nhưng mọi người đều vui. Chị Phụng vừa nhóm lò vừa nói: "Tôi là thành viên trong Hội Chữ thập đỏ địa phương nên thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân trong viện. Tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, tôi thương lắm. Rất nhiều bệnh nhân ở các vùng quê xa xôi khác nhau, họ nghèo túng và thiếu thốn. Có người nhà bệnh nhân phải nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền chữa bệnh cho con. Vậy là tôi nảy ra ý định nấu cháo miễn phí cho họ".
Tổ nấu cháo từ thiện khu dân cư Cầu Bươu phát cháo cho bệnh nhân nghèo. |
Trăn trở mãi, chị Phụng bàn với chồng ý tưởng nấu cháo vào thứ bảy hằng tuần cho bệnh nhân nghèo. Những tưởng người chồng sẽ phản đối vì nghĩ mình làm chuyện "thương thuê, khóc mướn", thế nhưng, khi nghe chị Phụng tâm sự, cả chồng và con trai đều ủng hộ nhiệt tình. Được sự ủng hộ của gia đình, chị Phụng tự tin rủ thêm hai người nữa trong khu dân cư cùng tham gia nấu cháo. Bắt đầu từ đó, cứ 19h đến 22h các ngày thứ sáu, thành viên trong tổ lại tập trung hì hụi nấu cháo. 5h sáng thứ bảy, chị Phụng hâm nóng cháo, mọi người thay phiên nhau bê cháo đến viện, vào từng phòng múc cháo mời bệnh nhân và người nhà của họ.
Chị Phụng nhớ, lúc đầu các thành viên trong tổ chưa có kinh nghiệm nên cháo thường bị khê và cháy, có khi cháo hỏng, phải bỏ. Thế là chị mày mò cả đêm trên các trang mạng tìm hiểu xem nấu loại cháo gì thì tốt cho sức khỏe bệnh nhân. Chị tìm đến các quán bán cháo nhờ chủ quán chỉ cách nấu thơm ngon, không bị khê, cháy. Nhiều người tưởng chị Phụng đến học bí quyết nấu cháo về bán nên không chịu giúp, nhưng khi nghe chị chia sẻ ý tưởng của mình, mọi người đều nhiệt tình chỉ dạy. Chị Phụng cho biết: "Lần đầu tiên chúng tôi mang cháo đến, các bệnh nhân cứ nghĩ cháo từ thiện thường không ngon, vào mời, họ rất dè dặt. Thậm chí, có người còn xua tay không nhận, lúc ấy chúng tôi cũng thấy tủi thân lắm. Nhưng khi ăn rồi, lần thứ hai chúng tôi quay lại, nhiều người đã khóc vì xúc động. Những lần sau đó, các thành viên trong tổ chỉ việc mang cháo đến một địa điểm, rồi mời bệnh nhân hoặc người nhà của họ ra lấy, không cần mang đến cho từng người như trước".
Bà Phạm Thị Lan (67 tuổi), một trong những thành viên đầu tiên trong tổ nấu cháo kể: Lúc đầu, chúng tôi không có địa điểm, phải đi nấu nhờ nhà người quen ở gần viện. Mất một năm ròng phải nấu cháo ngoài trời. Có hôm đang nấu bỗng trời đổ mưa lớn, chị em phải vội vàng mang ô ra che chắn, may mà nồi cháo hôm ấy không bị hỏng. Nấu xong, sáng hôm sau mọi người thay nhau khênh vào viện cách đó khoảng 500m. Nồi cháo nặng, cứ đi được một đoạn lại phải dừng nghỉ. Về sau, khi tổ sắm được xe đẩy, các thành viên trong tổ quyết định về nhà chị Phụng nấu cháo rồi đẩy xe đến viện phát.
Lan tỏa tấm lòng nhân ái
Không chỉ là mang đến một bữa sáng, các thành viên trong tổ còn động viên, hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân. Lần nào bệnh nhân và người nhà của họ ăn cháo xong, các thành viên đều hỏi xem họ ăn đã vừa miệng chưa, cháo nào họ ăn thấy ngon nhất để điều chỉnh cho phù hợp. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, tổ nấu cháo quyết định chọn món cháo thịt nạc, đậu xanh nấu cho bệnh nhân vì loại cháo này vừa ngon miệng lại đủ chất dinh dưỡng.
Sáng thứ bảy, tại Viện Bỏng quốc gia, người nhà bệnh nhân rủ nhau đến nhận cháo. Chị Nguyễn Thị Hồng (47 tuổi, Nghệ An), một trong những người nhà bệnh nhân cho biết: "Sáng thứ bảy nào mẹ con tôi cũng được các anh chị trong tổ phát cháo cho. Cầm bát cháo thơm phức, tôi có cảm giác được chia sẻ và thấy rất ấm lòng. Của cho không bằng cách cho. Các anh chị ai cũng niềm nở, nhẹ nhàng".
Những ngày đầu thành lập, đa phần chi phí nấu cháo do các thành viên trong tổ tự bỏ tiền túi ra lo liệu. Phạm Minh Nam (26 tuổi), con trai chị Phụng còn trích tiền lương hằng tháng để ủng hộ tổ nấu cháo của mẹ. Sau này, để có tiền duy trì hoạt động một cách đều đặn, các thành viên chia nhau đến từng nhà dân ở khu dân cư Cầu Bươu để kêu gọi ủng hộ. Dần dần, khi đã quen với việc làm có ý nghĩa này, bà con tự tìm đến, người góp gạo, người góp tiền, nồi cháo của bệnh nhân nghèo ở Viện Bỏng quốc gia cứ thế ngày càng đầy đặn thêm. Đến nay, hoạt động của tổ đã lan rộng ra toàn khu dân cư, chính quyền xã Tân Triều, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã tích cực ủng hộ hoạt động của tổ. Vậy là từ 3 thành viên ban đầu, sau 4 năm hoạt động, đến nay, tổ nấu cháo từ thiện khu dân cư Cầu Bươu có 10 thành viên. Mỗi tuần, họ cung cấp được khoảng hơn 200 suất cháo từ thiện cho các bệnh nhân ở Viện Bỏng quốc gia. Tuần nào được ủng hộ nhiều, tổ cũng tranh thủ phát thêm cháo cho bệnh nhân ở Viện K (cơ sở Tân Triều). Ngoài phát cháo miễn phí, tổ còn kêu gọi bà con trong khu dân cư Cầu Bươu góp gạo, góp tiền làm quà tặng cho bệnh nhân nghèo vào dịp lễ, tết và các bệnh nhi dịp trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi ở Viện K và Viện Bỏng quốc gia. Các thành viên trong tổ đều cảm thấy vui và tự hào vì những việc làm của mình. Bà Phạm Thị Lan tâm sự: "Chúng tôi sẽ còn tiếp tục duy trì công việc nấu cháo từ thiện cho đến khi sức khỏe không cho phép mới thôi".
Ngày 24-4-2015 vừa qua, tổ nấu cháo từ thiện khu dân cư Cầu Bươu được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì những đóng góp có ý nghĩa đó. Tổ được vinh dự là một trong số 11 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được phát hiện, giới thiệu (đợt đầu) trong cuộc thi "Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước TP Hà Nội năm 2015".