Philippines nộp bản đồ 300 năm về bãi cạn Scarborough cho tòa quốc tế
Thế giới - Ngày đăng : 09:58, 09/06/2015
Theo CNN, sự kiện trên diễn ra ngày 8-6.
Bản đồ Murillo Velarde được xuất bản năm 1734 tại Manila bởi cha cố dòng Jesuit người Tây Ban Nha Pedro Murillo Velarde và được gọi theo tên ông.
Bản đồ mà Philippines trình ở tòa án The Hague - Ảnh: CNN |
Một bản sao chép có chứng thực của tấm bản đồ này được coi là “mẹ của mọi bản đồ ở Philippines” và là “chén thánh của công tác đo đạc bản đồ của Philippines” sẽ được trình lên cho Tổng thống Philippines Benigno Aquino III ngày 12-6, cũng là ngày lễ độc lập của nước này.
Doanh nhân người Philippines Mel Velarde đã mua lại tấm bản đồ này từ nhà đấu giá Sotheby’s với giá 12 triệu peso (767.000 USD).
Theo Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng tổng thống Edwin Lacierda, tấm bản đồ sẽ giúp tăng sức nặng cho lý lẽ của Philippines trước tòa phản bác đường chín đoạn của Trung Quốc ở biển Đông.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lacierda cũng nói Philippines và Trung Quốc vẫn là bạn. Ông nói Philippines không có xung đột gì với Trung Quốc và quan hệ giữa hai nước không thể bị các tranh chấp lãnh thổ “bắt cóc làm con tin”.
“Nếu chỉ nhìn vào những gì diễn ra trên biển Đông thì rõ ràng là bạn sẽ bị định kiến. Nhưng nếu nhìn ra một bối cảnh rộng hơn thì chúng tôi đã thiết lập quan hệ hữu hảo với Trung Quốc và chúng ta là bạn, người Trung Quốc ở đây, người Philippines ở đó”, ông Lacierda nói.
Nhật Bản và Philippines tập trận chung
Dẫu vậy, Philippines và Nhật Bản đã lên kế hoạch tập trận hải quân chung ở biển Đông từ ngày 23 tới 24-6.
Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF) sẽ cử một máy bay do thám P-3C tới tham gia cuộc tập trận này, trong khi Philippines cử một tàu chiến và một máy bay, theo Đài truyền hình Nhật Bản NHK dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói cuộc tập trận sẽ là “lần chính thức đầu tiên” giữa hai nước.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thúc đẩy quốc hội thông qua một đạo luật cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) thực hiện các quyền “phòng ngự tập thể”, bao gồm tham gia bảo vệ một đồng minh bị tấn công.
Hiến pháp của Nhật Bản cho tới giờ vẫn cấm SDF tham chiến ở nước ngoài.