Bài 2: Nêu cao tinh thần phục vụ
Chính trị - Ngày đăng : 05:47, 09/06/2015
Công tác cải cách hành chính của TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Ảnh: Ngọc Châu |
"Một cửa" hiện đại
Một trong những kết quả nổi bật kể từ khi thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU là bộ phận "một cửa" của các đơn vị hoạt động ổn định, hiệu quả. Tất cả bộ phận "một cửa" của các đơn vị niêm yết công khai danh mục, quy trình giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của mình; 100% sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa"; 100% quận, huyện, thị xã đã xây dựng bộ phận "một cửa" theo hướng hiện đại; 94% TTHC của các cấp được thực hiện thông qua cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"... Trong đó, nhiều đơn vị đã chủ động triển khai và đạt kết quả tích cực. Tiêu biểu, huyện Thạch Thất trước đây có nhiều trụ sở đơn vị không bảo đảm để bố trí bộ phận "một cửa" nhưng 3 năm qua đã đầu tư xây dựng mới theo hướng hiện đại. UBND huyện cải tạo địa điểm, lắp đặt hệ thống camera tại bộ phận "một cửa" của 23 xã, thị trấn và xây dựng hệ thống mạng của huyện kết nối với thành phố, kết nối giữa các cơ quan với các xã, thị trấn. Tại Long Biên, quận đã đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT đồng bộ từ quận tới các phường trên địa bàn. Lãnh đạo quận có thể kiểm tra, kiểm soát công việc của các đơn vị thông qua Cổng thông tin điện tử của quận. Còn Sở Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện cho công dân, doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu thông tin, kết quả giải quyết thủ tục thông qua bảng niêm yết công khai và bảng ki ốt điện tử. Sắp tới, Sở sẽ triển khai ứng dụng CNTT trong việc gửi tin nhắn qua điện thoại thông báo kết quả giải quyết hồ sơ. Những bộ phận "một cửa" thường xuyên bị quá tải trước đây như quận Hoàng Mai, Từ Liêm (nay là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm), Bảo hiểm xã hội thành phố… giờ đây công dân đều rất thuận tiện khi đến giao dịch.
Sự quan tâm đầu tư cho bộ phận "một cửa" đã góp phần đổi mới hoạt động của cơ quan hành chính, đặc biệt là đã mang lại hiệu quả cao trong giải quyết TTHC. Số đơn vị có tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ rất cao (trên 99,5%) ngày càng nhiều như các sở, ngành: Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông - Vận tải, LĐ-TB&XH, Xây dựng, Y tế, Thanh tra thành phố...; các quận, huyện: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Sóc Sơn…
"Thước đo" là sự hài lòng của người dân
Một nội dung quan trọng của Chương trình số 08-CTr/TU là nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCCVC đã được thực hiện khá hiệu quả. Cùng với việc thành phố tổ chức đào tạo công chức nguồn, các đơn vị cũng rất coi trọng kiện toàn đội ngũ CBCC cấp xã, bảo đảm số lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, tỷ lệ cán bộ cấp xã đạt chuẩn theo quy định là 85%, tỷ lệ công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định là 99%. Nhiều quận, huyện như: Gia Lâm, Thạch Thất, Long Biên, Đan Phượng… đã mở hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hàng nghìn lượt học viên là CBCCVC tham gia. Bên cạnh đó, công tác đánh giá cán bộ có nhiều đổi mới, gắn với mức độ hoàn thành công việc, phản ánh đúng thực chất của đội ngũ cán bộ.
Thực hiện năm "Cải cách hành chính - 2013" và "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014", các đơn vị đều chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đã có nhiều đơn vị có cách làm sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Ví dụ, quận Long Biên gửi thư xin lỗi
công dân khi giải quyết TTHC chậm; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (CATP Hà Nội) triển khai thêm hình thức cấp hộ chiếu qua mạng để giảm số lần đi lại cho công dân; Sở Tư pháp Hà Nội áp dụng việc trả kết quả tận nhà (qua đường bưu điện) đối với một số lĩnh vực nếu công dân có yêu cầu; quận Ba Đình cung cấp 2 số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị liên quan đến TTHC; Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành lập Tổ tiếp nhận thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều quận, huyện phân công một cán bộ chuyên hướng dẫn người dân khi đến giao dịch tại bộ phận "một cửa". Thông qua những cách làm này, cán bộ, công chức ý thức trách nhiệm hơn về công việc của mình, từng bước tạo dựng được niềm tin với người dân. Đáng ghi nhận là đến nay, trong cuốn sổ góp ý của nhiều đơn vị, không còn nhiều than phiền, bức xúc như những năm trước. Thay vào đó là nhiều ý kiến khen ngợi.
Không dừng lại ở đó, các đơn vị tiếp tục cải tiến việc đánh giá chất lượng CBCC bằng nhiều kênh, trong đó một "thước đo" quan trọng là sự hài lòng của người dân. Ngoài việc các đơn vị tự tổ chức đánh giá, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã 3 lần tiến hành điều tra xã hội học công tác cải cách TTHC và sự hài lòng của người dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC ở nhiều quận, huyện, thị xã. Hiện, Sở Nội vụ Hà Nội cũng đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội xây dựng chỉ số và tiến hành khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố.
Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, vì dân, Hà Nội đều tăng hạng về các chỉ số đánh giá. Trong Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2013, Hà Nội tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu về CCHC, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, tăng 2 bậc so với năm 2012 (năm 2012 đạt 82,77%, năm 2013 đạt 85,43%). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng có sự cải thiện đáng kể (năm 2013 tăng 18 bậc so với năm 2012; năm 2014 tăng 7 bậc so với năm 2013, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá). Chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam năm 2014 xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố.
Năm 2012, có 15 nhóm thủ tục thuộc 15 lĩnh vực được thành phố rà soát; năm 2013, thành phố tập trung rà soát 38 nhóm TTHC gắn với việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; năm 2014, rà soát đánh giá 4 nhóm TTHC liên quan các lĩnh vực: Đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục và đào tạo, y tế; năm 2015, rà soát, đánh giá 3 nhóm TTHC liên quan các lĩnh vực thú y, văn hóa, lao động và việc làm. Từ đó, UBND thành phố đã công bố, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ 757 TTHC. Hiện, tổng số TTHC đang thực hiện trên địa bàn thành phố là 1.749 TTHC. Trong đó, thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành là 1.349; cấp huyện là 271 TTHC; cấp xã là 129 TTHC. |