Lợi thế, tiềm năng và… hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:38, 09/06/2015
1. Như thông báo của Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia, năm 2014, Việt Nam đứng thứ 59 thế giới về công bố quốc tế lĩnh vực khoa học và công nghệ với hơn 2.600 bài báo. Các ngành có số lượng công bố quốc tế cao là toán, lý, hóa - chiếm 1/3 công bố quốc tế của Việt Nam. So sánh với các nước trong khu vực, chúng ta xếp sau Thái Lan (43), Malaysia (38), nhưng cao hơn Indonesia (62) và Philippines (66).
Đây là tin vui đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam. Song GS Phạm Minh Hạc cho rằng, một bài báo, một công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thì sẽ có nhiều người đọc và giới nghiên cứu biết đến. Nhưng nếu bài báo, công trình đó chỉ được công bố rồi lại bị cất vào "ngăn kéo" thì chẳng có tác dụng gì. Ở nước ta, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố hoành tráng rồi "đắp chiếu", không nhận được sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để phục vụ đời sống của nhân dân và phát triển KT-XH. Còn PGS.TS Phan Quang Thế, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên nhận xét, từ xưa và đến nay thế giới vẫn thừa nhận sinh viên chúng ta giỏi về về toán, lý, hóa. Nhưng vấn đề toán, lý, hóa của chúng ta chỉ là thuần túy, không thiết lập được mối liên hệ với các lĩnh vực khoa học khác để giúp các lĩnh vực này phát triển…
Những ý kiến nêu trên rất đáng để suy nghĩ, đặc biệt là nhận định của PGS.TS Phan Quang Thế: "Khoa học của chúng ta là khoa học vị khoa học chứ chưa phải khoa học vị nhân sinh. Chúng ta cũng xây dựng nhiều định hướng nghiên cứu khoa học nhưng kết quả lại không phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước".
2. Quãng giữa tháng 5 vừa qua, Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng thứ 59 trong tổng số 124 quốc gia về chỉ số "vốn con người", sau Thái Lan, nhưng lại đứng cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia… Theo WEF, "Nguồn vốn con người" là chỉ số đánh giá mức độ giáo dục, kỹ năng nuôi dưỡng và phát triển tiềm năng của con người ở năm nhóm tuổi từ dưới 15 đến trên 65. Đứng ở nửa trên bảng xếp hạng, với mức trung bình khá, có thể thấy "Nguồn vốn con người" của chúng ta là một lợi thế, đặc biệt là khi Việt Nam đang trong cơ cấu "dân số vàng" về độ tuổi lao động.
Vậy nhưng xét theo logic của những con số nghiên cứu thì kết quả nêu trên chưa hẳn đã đáng mừng. Cách đây chưa lâu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dựa trên điểm thi hai môn toán và khoa học của học sinh độ tuổi dưới 15 đã xếp hạng giáo dục phổ thông Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới, đứng trên cả các nước Anh, Mỹ…
Như vậy, lứa học sinh 15 tuổi của Việt Nam có thể qua mặt học sinh đồng lứa Anh, Mỹ… về toán và khoa học, nhưng lại bị tụt phía sau trong những giai đoạn tiếp theo. Cũng có ý kiến nghi ngờ mức độ chính xác về những đánh giá này. Tuy nhiên trên thực tế, việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước luôn gặp khó khăn vì chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu, kể cả số lao động đã qua đào tạo vẫn phải đào tạo lại. Do đó, lợi thế cơ cấu "dân số vàng" về độ tuổi lao động vẫn là lợi thế… thô, chưa thể phát huy được tiềm năng.
Vẫn biết, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nhưng từ nghiên cứu khoa học và công nghệ để phát triển ứng dụng, phục vụ đời sống xã hội là một quãng đường. Tương tự như vậy, từ tiềm năng của con người hoặc những lợi thế do khách quan mang lại để chuyển hóa thành hiệu quả vật chất phục vụ sự phát triển cũng là một quãng đường. Quãng đường đó dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, chính sách và cách làm cụ thể.