Đã đến lúc trả "món nợ" lâu ngày với nông nghiệp
Chính trị - Ngày đăng : 16:59, 08/06/2015
Theo đại biểu Trần Khắc Tâm – Sóc Trăng, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 cho thấy một kết quả đáng phấn khởi nhất kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay. Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới đầy thách thức, để có được kết quả này, bài học lớn nhất rút ra là các cấp, các ngành luôn sẵn sàng đối mặt với khó khăn, cùng chia sẻ và tìm cách khắc phục. Từ câu chuyện về củ hành, trái dưa được mùa mất giá, đại biểu Tâm cho rằng, đã đến lúc Quốc hội cần trả món nợ lâu ngày với nông nghiệp. Chính phủ cần luôn áp dụng bài học gần gũi cơ sở, cử tri, lắng nghe tiếng nói của người dân để có được những chính sách, giải pháp tốt nhất cho các vấn đề KTXH của đất nước.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong số các kết quả phát triển KTXH đạt được, có các điểm sáng sau: kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá trong điều kiện đã kéo giảm được lạm phát trong 4 năm liên tiếp; chất lượng đầu tư được cải thiện; thu dầu thô trong 5 tháng đầu năm giảm rất sâu nhưng thu ngân sách vẫn tăng; cán cân thanh toán vãng lai tiếp tục thặng dư năm thứ 4 liên tiếp; quá trình tái cơ cấu đã có những kết quả nhất định, trong đó tái cơ cấu ngân hàng có biến chuyển rõ nét, nợ xấu đã được khoanh vùng và kiểm soát, tạo điều kiện cho lưu thông tín dụng, tiền tệ đã tăng trở lại, bất động sản ấm dần…
|
Tuy nhiên, mối lo nhập siêu quay trở lại đang gây áp lực lên chính sách tiền tệ và ổn định tỷ giá; bội chi ngân sách ở mức cao đẩy nợ công tới mức cần kiểm soát, trong khi nhu cầu đầu tư cho nông thôn, y tế, hạ tầng… vẫn còn rất lớn; sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản gặp khó khăn và tăng trưởng không ổn định; tai nạn giao thông, lao động… còn nhiều phức tạp.
“Tôi mong Chính phủ tiếp tục quyết liệt, quyết liệt hơn nữa trong các vấn đề sau: hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, bộ máy hành chính, con người hành chính, phòng chống kinh doanh trái phép, buôn lậu, tội phạm, đồng thời phải có giải pháp cụ thể vực dậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sớm hỗ trợ cho doanh nghiệp được vay vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp, ổn định từ 5-10 năm để mua máy móc thiết bị hiện đại, đứng vững trong hội nhập”,đại biểu Ngân nói.
Bàn về nông nghiệp, đại biểu Hoàng Ngân cũng đồng tình với nhận định rằng, lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ông kiến nghị Quốc hội nên có nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, giám sát quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả hơn, trong đó xác định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tri thức hóa nền nông nghiệp phải là ưu tiên hàng đầu trong ngắn và trung hạn; rà soát các quy hoạch nông nghiệp phù hợp với từng địa phương, khu vực và có sự phân cấp rõ ràng giữa lãnh đạo các địa phương, có như vậy mới giải quyết được bài toán cung cầu.
Các đại biểu Phùng Đức Tiến – Hà Nam, Nguyễn Lâm Thành – Lạng Sơn nhận xét, tuy là lĩnh vực góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội nhưng đóng góp của nông-lâm-ngư nghiệp vào GDP còn hạn chế, chứng tỏ nền kinh tế nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu tài nguyên. Việc các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của nước ta đang gặp khó khăn và giảm giá trị, một phần do khách quan do bị cạnh tranh về giá thành, mở rộng thị trường cung cấp ở nhiều quốc gia, tỷ giá chênh lệch ở các nước xuất khẩu, sức mua giảm, nhưng cũng có nguyên nhân do chúng ta chậm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến, thất thoát sau thu hoạch còn cao…
“Nhà nước cần phân bổ hợp lý cơ cấu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp dù được tập trung nhưng tốc độ đầu tư cho nông nghiệp vẫn thấp, chủ yếu cho thủy lợi, là nguyên nhân khiến chúng ta không thể tăng được năng lực cạnh tranh. Chúng ta cần phải sớm cải tiến việc vay vốn cho nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp”, đại biểu Thành nói.
Các đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai, Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng, Nguyễn Thiện Nhân - Bắc Giang cũng đề nghị Chính phủ cần khẩn trương, kịp thời khuyến khích DN đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thành lập mô hình hợp tác xã kiểu mới để khắc phục những bất cập hiện nay.
“Để giải quyết căn cơ vấn đề tiêu thụ nông phẩm, các bộ ngành liên quan phải ban hành chính sách hỗ trợ xây ựng hạ tầng với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các mô hình hợp tác trong nông nghiệp”, đại biểu Trương Văn Vở nói.
“Thị trường đầu vào, đầu ra cho nông sản của chúng ta hiện nay không phải là thị trường cạnh tranh mà do tư thương quyết định. Chỉ có mô hình hợp tác xã kiểu mới mới có thể giúp người nông dân giải quyết được những yếu thế của mình trong quá trình làm ra sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Nếu người nông dân tham gia hợp tác xã, họ mới có thể cùng tạo ra được thị trường đầu vào, đầu ra cạnh tranh, đồng thời thuận lợi hơn khi hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân |
Đã có gần 650 tàu được đăng ký đóng mới
Giải trình thêm trước Quốc hội về chính sách phát triển thủy sản, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, tháng 6/2014, Quốc hội có nghị quyết dành 16.000 tỷ đồng để phát triển biển đảo, trong đó có hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi. Chưa đầy 1 tháng sau, Chính phủ ra nghị định triển khai thực hiện nghị quyết này, với mục tiêu khuyến khích ngư dân bám biển, tổ chức sản xuất để tăng thu nhập từ biển trên cơ sở tổ chức lại sản xuất nghề cá trên biển, góp phần giữ vững chủ quyền đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước mạnh về biển.
Theo Phó thủ tướng, các chính sách mới được thiết kế khá đồng bộ, toàn diện, bao trùm từ việc đầu tư hạ tầng đồng bộ, kể cả cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền đến khuyến khích tổ chức lại sản xuất và hậu cần dịch vụ nghề cá bằng nhiều biện pháp như miễn giảm thuế, phí trước bạ, hỗ trợ thuế duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ bảo hiểm 70-90% cho tàu và 100% cho thuyền viên trên tàu; hỗ trợ chi phí vận chuyển dịch vụ hai chiều; hỗ trợ nâng cấp và đóng mới tàu, khuyến khích đóng tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, công suất lớn; hỗ trợ vốn vay…
Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, tính đến 21/5/2015, đã có 648 tàu được đăng ký xin đóng mới, trong đó tàu vỏ thép và vật liệu mới xấp xỉ chiếm 50%. Đến nay, có 62 trường hợp đã và đang được giải ngân. Điều này cho thấy chính sách của Nhà nước đã đi đúng hướng.
Song song với ban hành chính sách, Chính phủ cũng đã tổ chức các đoàn đi thực té nắm tình hình, kiểm tra, lắng nghe ý kiến nhiều chiều. Tại phiên họp Chính phủ tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã có nghị quyết trong đó có nhiều tháo gỡ thêm để giúp ngư dân bám biển như xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ cho ngư dân vay khi đóng tàu vỏ thép và vật liệu mới; giao địa phương triển khai thực hiện việc hỗ trợ thiết kế tàu vỏ gỗ, tàu vật liệu mới có công suất lớn…
Chênh lệch số liệu là do cách tính
Làm rõ thêm về sự sai lệch các số liệu kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, số liệu của Việt Nam công bố không chỉ chênh với Trung Quốc, mà chênh với cả các nước khác như Nga, Singapore, Bồ Đào Nha… Nguyên nhân là do cách thống kê ở các nước khác nhau, hàng hóa của Việt Nam khi đưa vào được mỗi nước tính cách nhập khác nhau, cách tính trị giá hải quan mỗi nước khác nhau. Đáng chú ý, phía Trung Quốc không tính giá trị xuất khẩu của Việt Nam qua đường tiểu ngạch, dù hàng hóa được làm thủ tục hải quan đầy đủ. Do đó, không phải toàn bộ phần xuất ngầm của Việt Nam vào Trung Quốc đều là hàng cấm, hàng lậu.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh |
Về lo ngại mất tương xứng giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng cho rằng, có thể các doanh nghiệp FDI hiện nay chưa chuyển giao được công nghệ nhưng đang góp phần tạo cú hích cho nền kinh tế, tạo nhiều việc làm.
“Tôi đồng tình rằng chúng ta phải quan tâm phát triển doanh nghiệp trong nước vì ngay cả doanh nghiệp FDI cũng mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, muốn nhập khẩu nguyên liệu từ ngay nước sở tại. Hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 95% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, tôi hi vọng khi luật doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời vào năm tới, chúng ta có thể hỗ trợ toàn diện cho đối tượng này”, Bộ trưởng nói.
Sẽ mở rộng miễn thị thực đơn phương cho khách du lịch
Nhằm lấy lại sức hấp dẫn của nền du lịch Việt Nam, kéo lại khách du lịch đến Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Hoàng Tuấn Anh cho biết, thời gian vừa qua Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp.
Trong số các giải pháp này, Chính phủ đang thiết kế việc mở rộng miễn thị thực đơn phương cho khách du lịch; tăng đầu tư cho xúc tiến quảng bá; cải thiện môi trường du lịch, trong đó chặn đứng nạn ăn chặn khách du lịch, như quy định các cơ sở kinh doanh du lịch phải niêm yết giá bán và thực hiện đúng giá bán, thành lập đường dây nóng tố giác sai phạm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch…