Mỹ, Nhật thử thành công tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA
Thế giới - Ngày đăng : 08:06, 08/06/2015
Japan Times dẫn lời phát ngôn viên cơ quan phòng thủ trên lửa Mỹ Rick Lehner cho biết vụ thử tên lửa trên được tiến hành hôm 6/6 tại bãi thử Point Mugu, ngoài khơi bang California.
Mỹ, Nhật thử thành công tên lửa đánh chặn thế hệ mới. (Ảnh: JP) |
SM-3 IIA là một phiên bản dài 53cm do công ty Raytheon chế tạo trong khuôn khổ chương trình hợp tác Mỹ - Nhật. SM-3 IIA được phát triển từ tên lửa SM-3 và được sử dụng trong hệ thống tác chiến lớp Aegis do công ty Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, để đối phó với nguy cơ tấn công tên lửa đạn đạo.
Riki Ellison, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Liên minh ủng hộ phòng thủ tên lửa cho hay Nhật và Mỹ mỗi bên đóng góp 1 tỷ USD để thiết kế, thử nghiệm và sản xuất thế hệ tên lửa mới này.
“Đây là lần hợp tác điển hình giữa Mỹ và một nước khác, trong đó bản thiết kế và chi phí được hai bên chia sẻ một cách công bằng… để tạo ra một loại vũ khí mới, tăng cường an ninh cho cả hai nước”, ông Ellison cho hay.
Raytheon cho biết các tên lửa SM-3 IIA mới có động cơ tên lửa lớn hơn và một khả năng có thể tiêu diệt lớn hơn mà sẽ cho phép tên lửa tấn công các mối đe dọa từ rất sớm và bảo vệ một khu vực rộng lớn hơn trước tên lửa tầm ngắn với tên lửa tầm trung.
Bài kiểm tra cuối tuần trước chỉ là bài kiểm tra đánh giá hiệu suất hoạt động của tên lửa, hệ thống điều khiển, việc tách các giai đoạn của tên lửa trong khi bay. Không có một mục tiêu giả định nào được đưa ra để thử nghiệm.
Theo ông Ellison, theo kế hoạch tên lửa này sẽ được tiếp tục thử nghiệm trong 3 năm trước khi được sử dụng cho các tàu Aegis của Hải quân Mỹ, tàu Kongo của Nhật Bản, và hệ thống vũ khí Aegis Ashore tại Ba Lan và Romania.
Đây là hoạt động hợp tác quân sự mới nhất giữa Nhật Bản và Mỹ kể từ khi hai nước công bố định hướng hợp tác quốc phòng mới ngày 27/4 vừa qua. Theo chiến lược mới này, Nhật Bản sẽ tham gia tích cực và chủ động hơn vào các hoạt động quân sự trong khu vực, từ việc bảo vệ các vùng biển của Nhật Bản, các vùng biển lân cận đến trực tiếp tham chiến bảo vệ các đồng minh ngay cả khi Nhật Bản không phải là mục tiêu bị đe dọa, tấn công.
Những thay đổi mạnh mẽ trong định hướng quốc phòng Nhật - Mỹ được đẩy mạnh trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên tiến hành các hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo đá và rạn san hô ở Biển Đông hòng biến các thực thể này thành các tiền đồn quân sự phục vụ mục tiêu kiểm soát và độc chiếm vùng biển chiến lược trong tương lai.