Phải xử lý nghiêm, dứt điểm
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:02, 08/06/2015
Nhà dân, cửa hàng ven đường đê ở xã Hòa Nam. |
Thực tế, công tác quản lý nhà nước về đê điều ở huyện Ứng Hòa gặp nhiều khó khăn bởi những nguyên nhân: Nhiều đoạn đê được kết hợp làm đường giao thông; có những đoạn đi qua khu dân cư sinh sống lâu đời, nhưng chưa được làm đường gom dân sinh nên người dân tự mở dốc để phục vụ cho việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày. Một số trường hợp hộ dân sửa chữa, xây dựng lại nhà trên nền đất cũ do ông, cha để lại đồng thời xuất hiện tình trạng cơi nới. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhiều hộ dân sống ở ven đê còn tự ý lấn chiếm đất, xây các công trình trên mặt đê, mái đê để kinh doanh, buôn bán. Chỉ tính từ năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn huyện Ứng Hòa có tổng số 149 trường hợp vi phạm Luật Đê điều. Trong đó có 16 trường hợp xây ngõ, đổ đất làm dốc, 34 trường hợp xây tường rào, tường chắn đất, dựng hàng quán tạm, 99 trường hợp xây dựng nhà cửa…
Nhằm đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, hằng tuần Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa phối hợp với Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm, thiết lập biên bản kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều và tham mưu cho các cấp chính quyền xử lý những trường hợp vi phạm trên tuyến đê tả Đáy. UBND huyện Ứng Hòa cũng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các xã, thị trấn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm đê điều. Ngay từ đầu năm 2015, Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức đã phát tài liệu tuyên truyền về Luật Đê điều tới 13 xã, thị trấn ven đê tả Đáy, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh với nội dung về Luật Đê điều, Nghị định 139/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố về quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố… Trên cơ sở đó, một số địa bàn có chuyển biến tích cực trong công tác ngăn chặn, xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm như xã Sơn Công, Vạn Thái đã có những trường hợp vi phạm tự tháo dỡ tường rào, lán quán hàng…
Tuy nhiên, do ý thức chấp hành pháp luật về đê điều của một số người dân sống ở ven đê chưa cao, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn lơ là, chưa tập trung, quyết liệt dẫn đến việc giải tỏa còn khó khăn; sự phối hợp để kiểm tra cũng như đôn đốc các xã xử lý giải tỏa vi phạm của các ngành, cơ quan chức năng chưa kịp thời, nên ở thị trấn Vân Đình, các xã Hòa Phú, Hòa Nam, Phù Lưu… vẫn còn tình trạng vi phạm xảy ra nhiều với hàng chục vụ mỗi năm. Riêng tại xã Hòa Nam, chỉ tính từ năm 2014 đến tháng 5-2015, đã có 62 vụ vi phạm đào móng, xây nhà kiên cố, làm cổng xóm, quán hàng, cống thoát nước trên đất nông nghiệp, đất công… Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Nam Nguyễn Như Tuyển, các trường hợp vi phạm Luật Đê điều tồn tại trên địa bàn xã do nhiều nguyên nhân: Đất thổ cư của nhiều gia đình đã ở từ trước khi Pháp lệnh về đê điều ra đời. Địa bàn xã có 2km đê Đáy đi qua, nhưng lại là đường giao thông, là nơi người dân tập trung họp chợ, kinh doanh, buôn bán từ trước tới nay, nên việc giải tỏa vi phạm đã rất khó, việc giữ gìn, ngăn chặn vi phạm mới phát sinh càng khó khăn hơn. Nhằm giải tỏa ùn tắc, vi phạm trật tự an toàn giao thông, từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng ANTT xã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Ứng Hòa thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm TTATGT. Hiện, trên địa bàn xã đã chấm dứt được tình trạng người kinh doanh dừng, đỗ ô tô chở hàng ở lòng đường để bán hàng gây ách tắc giao thông. Riêng đối với những trường hợp vi phạm xây dựng nhà, ki ốt, lán, quán (tập trung ở hai thôn Đinh Xuyên và Dư Xá) thì có hơn chục trường hợp xây nhà trên đất thổ cư, đồng thời có cơi nới, lấn chiếm đất. Mặc dù xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Đê điều trên hệ thống truyền thanh với thời lượng hai lần trong ngày, tuyên truyền lưu động mỗi tháng một lần… nhưng số vụ vi phạm vẫn xảy ra nhiều. Có rất ít trường hợp tự giác khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu, còn lại chủ yếu không chấp hành với lý do "xây dựng trên diện tích đất ông cha để lại, sửa chữa công trình đã xuống cấp"…
Thiết nghĩ, trước tình trạng vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn huyện Ứng Hòa xảy ra nhiều, rất cần các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, kiên quyết giải tỏa dứt điểm những trường hợp vi phạm, không để tái lấn chiếm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ đê điều. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm mới phát sinh để bảo đảm an toàn cho đê điều...