Kiên trì với mục tiêu cơ bản
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 08/06/2015
Sáng hôm qua, có câu nói bên bàn trà của một người thường theo dõi thể thao thể hiện sự chuyển hướng này. Đại ý mình đọc tin về wushu, chọn xem một trong ba trận của Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, mừng vì bi sắt có huy chương vàng… nhưng chỉ thực sự rung động trước thành tích của đấu kiếm, đi bộ cự ly 20km và phần nào đó là judo. Tất nhiên là bơi lội nữa, xem Hoàng Quý Phước và đặc biệt là Nguyễn Thị Ánh Viên, thực sự là gai người...
Có thể chia sẻ cảm xúc của nhiều người hâm mộ, lọc ra từ đó quan điểm về định hướng đầu tư và định hướng phát triển thể thao Việt Nam. Ở đó không còn nhiều "mộng huy chương", không còn mấy biểu hiện của "bệnh thành tích", không còn mục tiêu chạy theo Thái Lan trên bảng tổng sắp huy chương tại một Đại hội thể thao Đông Nam Á. Thay vào đó là sự quan tâm đến thành tích của các vận động viên những môn cơ bản của các kỳ đại hội thể thao lớn nhất thế giới và châu lục như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, bắn cung, bắn súng, đua thuyền...
Ngành thể thao Việt Nam đã thể hiện sự chuyển hướng đầu tư trong ít năm trở lại đây, từ "đi tắt đón đầu" để hội nhập chuyển sang xây dựng nền tảng nhằm tiến vào sân chơi châu lục, Olympic ngày một chững chạc hơn. Định hướng đó được thể hiện ở quy hoạch phát triển ngành thể thao, sự cân đối trong công tác đầu tư cho thể thao phong trào và thể thao thành tích cao, phân cấp nhóm vận động viên được đầu tư trọng điểm, ngày một quan tâm hơn đến khâu phát hiện tài năng và đào tạo trẻ, chế độ dinh dưỡng và chương trình tập huấn dài hơi tại nước ngoài. Trong ngắn hạn, có thể thấy hiệu quả nhất định có được từ chiến lược đầu tư đó (với kinh phí ngân sách và xã hội hóa), qua trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi (bơi lội), Phan Thị Hà Thanh, Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ) và thành tích của một số vận động viên đua thuyền, đấu kiếm, điền kinh, quần vợt, bóng đá…
Tuy vậy, cần phải nhận rõ sự hạn chế trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển thể thao Việt Nam trong giai đoạn mới, từ đó xác định giải pháp phù hợp. Tại sao chúng ta thường "đuối" ở ASIAD, có bao nhiêu nhà vô địch thế giới mà không thể giành "vàng châu lục"? Một số tuyển thủ bơi lội, điền kinh vốn làm mưa làm gió ở SEA Games, vào ASIAD thi đấu cật lực mới có được tấm huy chương đồng, vậy mà phía sau họ, như Vũ Thị Hương, Nguyễn Thị Ánh Viên, Phan Thị Hà Thanh, ta đã thấy ai "rõ nét"?... Do đào tạo trẻ, quy trình huấn luyện và tập huấn hay còn gì nữa?
Rõ ràng là Việt Nam cần kiên trì mục tiêu tiến ra "biển lớn" và cần có một chiến lược chung hướng về mục tiêu đó, bao gồm chiến lược đầu tư cho đào tạo trẻ, huấn luyện, tập huấn, thi đấu và cả chiến lược đầu tư nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt, phát triển thể thao học đường. Muốn đạt được thành tích cao ở đấu trường châu lục và thế giới, chúng ta không chỉ trông chờ vào một học viện bóng đá, vài ba trung tâm đào tạo trẻ danh tiếng hay bó gối chờ tài năng trẻ tự xuất hiện, mà phải kiên trì giải pháp tạo dựng nền tảng, huy động nguồn lực cho mục tiêu lớn thay vì đầu tư phân tán nhằm đạt được thành tích trước mắt.