Sống giữa yêu thương

Xã hội - Ngày đăng : 05:59, 07/06/2015

Tôi cố gắng không thiên vị nhưng rất nghi ngờ khi thuê Stevie. Nhân viên bảo trợ xã hội của cậu ấy bảo đảm rằng đó là một bồi bàn tốt và đáng tin cậy. Nhưng tôi chưa bao giờ thuê một người mắc bệnh về trí não và tôi không biết khách hàng của tôi sẽ phản ứng thế nào.


Cậu ấy thấp, hơi béo, giọng nói mang tính điển hình của người bị hội chứng đao. Tôi không lo lắng về phần lớn khách hàng là lái xe tải hạng nặng bởi những người này thường không quan tâm đến người phục vụ, miễn là thức ăn của quán ngon. Tôi chỉ lo lắng về những người lái xe bốn bánh. Tôi biết họ sẽ không thoải mái với Stevie và vì vậy, trong những tuần đầu tiên, tôi để ý cậu ấy rất kỹ. Thế nhưng, lo lắng của tôi là thừa. Sau tháng đầu tiên, những vị khách lái xe tải "ruột" đã chấp nhận cậu ấy như một người bạn. Cậu ấy 21 tuổi, mặc chiếc quần jean xanh và đi giày Nike, luôn tươi cười và sẵn sàng phục vụ. Lọ muối và hạt tiêu luôn ở đúng vị trí, không hề có một vụn bánh mỳ hay giọt cà phê sau khi Stevie đã dọn bàn. Những nhân viên phục vụ bàn khác cũng rất yêu quý cậu.

Cùng với thời gian, chúng tôi biết rằng cậu sống với mẹ, một quả phụ đã trải qua nhiều ca phẫu thuật vì bệnh ung thư. Họ sống bằng trợ cấp xã hội tại nhà công cộng cách điểm nghỉ chân dành cho xe tải 2 dặm.

Một sáng cuối cùng của tháng 8, buổi sáng đầu tiên sau 3 năm đi làm liên tục, Stevie không đến quán. Cậu ở Bệnh viện Mayo ở Rochester để đặt van tim. Nhân viên bảo trợ xã hội của cậu ấy nói rằng những người bị hội chứng đao thường bị bệnh tim. Và vấn đề là hai mẹ con cậu ấy không biết xoay xở thế nào để thanh toán chi phí cho ca phẫu thuật. Nỗi lo lắng và buồn phiền bao trùm khắp cả quán. Belle Ringer, một khách hàng thân thiết của tôi đã nhận thấy điều đó. Ông hỏi Frannie, nữ bồi bàn đã 50 tuổi và Frannie đã kể lại câu chuyện cho Belle Ringer.

Ngay sau khi Belle Ringer rời bàn ăn, Frannie đã tìm thấy một tờ 20 đô la kẹp trong tờ giấy ăn với dòng chữ viết vội: "Thứ gì đó cho Stevie". Rồi Tipper và Pony, hai người lái xe tải khác cũng để lại mỗi người một ít tiền trong tờ giấy ăn với cùng dòng chữ.

Rồi một ngày, chúng tôi được nhân viên bảo trợ xã hội của cậu thông báo rằng Stevie đã dũng cảm vượt qua được ca phẫu thuật. Cậu đếm từng ngày khi bác sĩ nói rằng cậu ấy có thể quay trở lại làm việc. Tuần trước, cậu ấy đã gọi tới 10 lần để chắc chắn rằng chúng tôi biết là cậu sẽ đến, sợ rằng chúng tôi đã quên cậu ấy.

Đúng vào ngày lễ tạ ơn, Stevie quay về với công việc. Stevie gầy và xanh xao hơn, cùng mẹ đẩy cửa vào. Tôi ôm hai mẹ con cậu: "Công việc có thể chờ. Để kỷ niệm ngày cậu trở lại, một bữa sáng cho cậu và mẹ cậu đã được phục vụ".

Tôi dẫn họ về phía một chiếc bàn rộng ở cuối phòng. Những nhân viên còn lại của quán theo sau khi chúng tôi đi vào phòng ăn. Chúng tôi dừng lại trước một chiếc bàn lớn. Trên bàn là cốc cà phê, xúc xích và một tập giấy ăn. "Điều đầu tiên cậu phải làm là ăn hết những thứ này", tôi nói giọng nghiêm khắc.

Stevie nhìn tôi, sau đó nhìn mẹ cậu, và kéo ra một chiếc khăn giấy. Chiếc khăn có từ "Thứ gì đó cho Stevie" ở bên ngoài. Hai tờ 10 đô la rơi xuống bàn. Stevie nhìn vào tờ tiền, sau đó tìm thấy ở tất cả khăn giấy đặt trên bàn, mỗi chiếc đều có tên cậu ấy. Tôi quay sang mẹ cậu ấy. "Đó là 5.000 USD từ những người lái xe tải và các hãng xe tải khi họ nghe kể về vấn đề của Stevie. Lễ tạ ơn vui vẻ!".

Nhờ những người lái xe tải tốt bụng mà Stevie đã vượt qua được ca phẫu thuật và với nghị lực phi thường, tuy bệnh tật nhưng Stevie đã sống cuộc sống có ích. Cậu xứng đáng với tình thương mọi người dành cho cậu.

Phạm Đức Thịnh (114 Cầu Trì)