Đoàn Việt Nam giành thêm 9 HCV trong ngày 6-6: "Đắt xắt ra miếng"
Xã hội - Ngày đăng : 05:38, 07/06/2015
Trong hàng loạt tấm HCV của đoàn Việt Nam, 9 HCV, trong đó có 4 kỷ lục SEA Games mà Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước giành được trên đường đua xanh tiếp tục cho thấy sự đúng đắn trong việc đầu tư mạnh tay của Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản.
Kình ngư Ánh Viên đã thể hiện phong độ xuất sắc tại SEA Games 28. Ảnh: Nam khánh |
Ba năm qua, Nguyễn Thị Ánh Viên đã được tập huấn dài hạn tại Mỹ và kinh phí dành cho kình ngư này không hề nhỏ, lên tới hàng trăm nghìn USD/năm. Và, quyết định đầu tư cho Ánh Viên đã không uổng phí. Sau khi giành 3 HCV tại SEA Games 27, Nguyễn Thị Ánh Viên đã đặt mục tiêu giành 4-6 HCV tại SEA Games này.
Ngay trong ngày thi đấu đầu tiên tại SEA Games 28, Nguyễn Thị Ánh Viên đã trở thành cái tên đáng chú ý nhất trên đường đua xanh. Dự tranh hai nội dung 800m tự do và 400m hỗn hợp cá nhân, cô gái người Cần Thơ đã phá tới 3 kỷ lục SEA Games và giành 2 tấm HCV bất chấp sự đeo bám quyết liệt của các kình ngư Thái Lan.
Riêng nội dung 400m hỗn hợp nữ, Nguyễn Thị Ánh Viên phá kỷ lục SEA Games trong cả hai buổi thi đấu vòng loại và chung kết. Điều đó cho thấy kình ngư này đã có bước tiến vượt bậc so với kỳ SEA Games trước và mục tiêu giành ít nhất 4 HCV hoàn toàn khả thi.
Cũng gây ấn tượng trên đường đua xanh là kình ngư Hoàng Quý Phước. Một thời gian dài, tưởng như kình ngư này sẽ không thể tìm lại được mình khi thành tích sa sút, không thích nghi được với chuyến tập huấn tại Mỹ. Nhưng bản lĩnh, ý chí của kình ngư này cùng niềm tin của ngành thể thao lẫn đơn vị chủ quản Đà Nẵng đã giúp Hoàng Quý Phước tìm lại năng lực thực sự. Sau những chuyến tập huấn quen thuộc tại Trung Quốc, gần đây Hoàng Quý Phước đã được đầu tư mạnh hơn với chuyến tập huấn dài ngày tại Nhật Bản. Nhờ chuyến tập huấn này mà Hoàng Quý Phước đã tự tin hơn rất nhiều. Đến chiều 6-6, Hoàng Quý Phước đã thể hiện điều đó khi đoạt HCV 200m tự do nam và phá kỷ lục SEA Games. Thành tích này một lần nữa chứng tỏ chuyến tập huấn tại Nhật Bản của Quý Phước thực sự hữu dụng.
Trong khi đó, những chuyến tập huấn nước ngoài chất lượng cao ở các môn đấu kiếm, thể dục dụng cụ cũng mang về những tấm HCV quý giá cho Đoàn thể thao Việt Nam. Đấu kiếm (cử VĐV đi tập huấn ở Hàn Quốc, Trung Quốc trước SEA Games này) chứng tỏ là "mỏ vàng" của thể thao Việt Nam khi đoạt tiếp HCV đồng đội kiếm ba cạnh nam và đây là tấm HCV thứ 5 của đấu kiếm Việt Nam tại SEA Games 28. Còn đội tuyển thể dục dụng cụ nam với những chuyến tập huấn, thi đấu tại Canada, Bulgaria cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều. Việc đội nam Việt Nam (Lê Thanh Tùng, Hoàng Cường, Đinh Phương Thanh, Phạm Phước Hưng và Đặng Nam) vượt qua Singapore, Thái Lan để giành HCV đồng đội nam thể dục dụng cụ như lẽ đương nhiên. Còn ở môn Judo, võ sĩ Trần Thị Thủy lên ngôi ở hạng dưới 52kg cũng có phần từ những chuyến tập huấn nước ngoài chất lượng cao.
Điều đó một lần nữa chứng tỏ thể thao thành tích cao cần có những chuyến tập huấn nước ngoài và đương nhiên đằng sau đó là sự đầu tư mạnh mẽ của Tổng cục TDTT cũng như đơn vị chủ quản các VĐV.
Cũng có những VĐV chỉ tập huấn trong nước nhưng cũng giành HCV trong ngày 6-6 như VĐV điền kinh Nguyễn Thị Thanh Phúc ở môn đi bộ 20km nữ (đây là tấm HCV SEA Games thứ 3 của cô). Hay ở môn bi sắt, là trường hợp việc VĐV Nguyễn Thị Thi (đang thi đấu cho Đồng Tháp) giành HCV nội dung kỹ thuật nữ. Trường hợp của Nguyễn Thị Thi được coi là bất ngờ vì trước SEA Games này, bi sắt Việt Nam không nhiều hy vọng giành HCV. Đến hết ngày thi đấu 6-6, đoàn Việt Nam giành được 13 HCV, 3 HCB, 11 HCĐ, đang xếp nhì toàn đoàn sau Singapore (17 HCV, 11 HCB, 17 HCĐ). Thứ ba là Thái Lan (10 HCV, 14 HCB, 14 HCĐ). |