Giúp Mường Lát thoát nghèo bền vững
Đời sống - Ngày đăng : 11:31, 06/06/2015
Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 246 km, Mường Lát là huyện vùng cao biên giới nằm ở tận cùng phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa.
Mường Lát có 103 km đường biên giới với nước bạn Lào trên tổng số 110km đường biên của cả tỉnh, sở hữu 85.000 ha đất tự nhiên, là nơi sinh sống của khoảng 70.000 hộ dân. Tính tới tháng 5/2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 29,1%.
Tặng bò giống lai sind giúp dân Mường Lát thoát nghèo bền vững. |
Là địa bàn giáp ranh với nước bạn Lào, nổi cộm vấn đề buôn bán ma túy, chất gây nghiện, trong thời gian qua, Ban Thường vụ huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội, mỗi xã cử một đồng chí phụ trách về phát triển kinh tế kiêm chỉ đạo các điểm nóng về tệ nạn xã hội.
Giai đoạn 2004-2005, đại dịch ma túy tràn qua Mường Lát với các địa danh “nổi như cồn” như bản Lác, bản Poọng. Người nghiện rất nhiều, nhiễm virus HIV, sau đó chuyển sang AIDS và tử vong, trở thành vấn đề nhức nhối cần giải quyết càng sớm càng tốt.
Điều đó không chỉ khiến nơi đây trở thành điểm đen về kinh tế mà còn là sự lạc hậu, tệ nạn xã hội. Trong những tháng giáp hạt hay dịp Tết nguyên đán, để người dân có cái ăn, Chính phủ thường xuyên phải tiếp tế gạo cứu đói.
Nhưng đó đã là câu chuyện của Bản Lác 10 năm trở về trước. Ngày nay, người dân Mường Lát không còn phải nhận gạo, họ đã thay đổi nhận thức và luôn vươn lên để tự thoát nghèo, những ngôi nhà tranh tre, nứa lá đã được thay thế dần.
Để làm được điều đó, Chính phủ đã tiến hành đưa điện, đầu tư cơ sở vật chất đến với bản nghèo theo chương trình 30A. Đồng hành cùng với chương trình này là sự hỗ trợ tích cực của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.
Bên cạnh hỗ trợ sửa chữa nhà ở, xóa nhà tranh tre nứa lá, Viettel còn đem đến những hộ đặc biệt nghèo bò giống lai sind, giúp họ sinh kế mới. Tính đến tháng 4/2015, tổng số bò mà Viettel hỗ trợ bà con Mường Lát 352 con (52 con Viettel hỗ trợ theo chương trình 30A, 250 con theo Chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới).
Không chỉ chăm lo công tác thoát nghèo, Viettel còn nhận thấy sự thiếu thốn về cơ sở vật chất trong dịch vụ khám chữa bệnh dành cho người dân nơi đây. Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát có công suất thiết kế 70 giường bệnh, nhưng phải kê 140 giường (ra hè, lan can, lối đi…) mới đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Năm 2011, căn cứ tình hình thực tế, Viettel quyết định hỗ trợ Mường Lát 01 xe cứu thương hiệu Hyundai mới 100% trị giá gần 540 triệu đồng, giúp công tác cấp cứu và chuyển tuyến đạt hiệu quả cao. Sát cánh cùng xe sẵn có do tỉnh cấp, “bệnh viện di động Viettel” hàng ngày cần mẫn đưa đón bệnh nhân từ nơi cư trú lên Bệnh viện huyện, hay vượt hàng trăm km chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên. Mặc dù điều kiện giao thông đi lại khó khăn, song riêng năm 2014, cơ sở y tế này đã vận chuyển trên 250 lượt bệnh nhân.
Nhờ công tác tuyên truyền phổ biến mà ý thức người dân về khám chữa bệnh ban đầu dần nâng lên, coi việc chữa bệnh bằng phẫu thuật, điều trị thuốc là tất yếu chứ không phải do con ma hay thần thánh nào cả.
Công tác cải cách hành chính trong hội nghị hay công tác điều hành có thể coi là điểm sáng của tỉnh. Chất lượng hệ thống máy tính, mạng nội bộ của huyện, xã đã được cải thiện đáng kể, phục vụ công tác lãnh đạo điều hành tại địa phương. Đội ngũ cán bộ văn phòng, văn thư, cán bộ văn hóa xã đa phần được tham gia các khóa đào tạo tin học với tổng kinh phí gần 125 triệu đồng từ Viettel.
Quỹ khuyến học trước đây nguồn kinh phí rất hạn hẹp, từ khi có thêm nguồn kinh phí 2 tỷ đồng hỗ trợ từ Viettel, huyện đã gửi Ngân hàng NN&PTNT huyện, từ đó động viên kịp thời cho học sinh, giáo viên với tổng kinh phí đã giải ngân hơn 300 triệu đồng. Mặc dù lãi suất huy động hiện giảm mạnh còn 3,5%/năm (có thời điểm 11%/năm), song hệ thống quỹ khuyến học từ tuyến thôn bản tới tuyến huyện đều đang hoạt động sôi nổi, hiệu quả.
Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Thời gian tới, lãnh đạo Huyện ủy và UBND quán triệt sẽ sử dụng đúng, trúng các nguồn được Viettel tài trợ, trước mắt thực hiện nâng cấp hệ thống truyền thanh không dây; tiếp theo là làm nhà “60 triệu đồng” cho một số hộ gia đình với tiêu chí diện tích không dưới 40 m2 và đảm bảo 4 cứng là mái cứng, khung cứng, nền cứng, vách cứng, tất nhiên tiêu chí vẫn là theo đúng tập quán của người dân tộc Mông hay Thái. Số tiền trên đã được tính toán chi tiết, đảm bảo đủ nguyên vật liệu, còn công xây, vận chuyển sẽ do chính gia đình và bà con trong bản hỗ trợ”.
Vị lãnh đạo huyện này cũng khẳng định sự đầu tư của nhà nước và hỗ trợ mạnh mẽ của tập đoàn Viettel không chỉ giúp địa phương thoát cảnh “ăn gạo cứu đói từ Chính phủ”, mà đang từng ngày từng giờ giúp nơi đây thay đổi và phát triển bền vững.