Tranh "Vân Dại": Một lối đi khác cho hội họa

Văn hóa - Ngày đăng : 07:28, 06/06/2015

(HNM) -

Xúy Vân trong tranh Lý Trực Sơn với nhiều hình thái biểu cảm.



Người trong nghề ai cũng nói Lý Trực Sơn luôn tự đày ải mình. Sau 9 năm ngao du trời Âu, học chính thống thì ít mà tự mình xách ba lô lang thang trong trường đời thì nhiều, ông trở về Việt Nam, miệt mài với sơn mài. Ông làm việc cật lực, kỹ tính, tỉ mỉ với lý do "nó đỏng đảnh quá, tôi vẫn chưa hiểu được". Để rồi, khi được xác định là nghệ sĩ sơn mài "lão luyện" của thế hệ mình, ông đột nhiên bỏ, quay sang giấy dó và màu thảo mộc tự chế. Sau triển lãm thể hiện cuộc gặp gỡ Đông - Tây trong triển lãm "Giả thiết" (năm 2011) với tranh trừu tượng trên giấy dó và màu thảo mộc, Lý Trực Sơn ít "xuất hiện", ai cũng nghĩ ông đang hì hụi với những tìm tòi mới. Thế mà lần này, ông lại lôi những bức tranh sáng tác từ gần ba chục năm trước ra trưng bày. Nhưng không phải là ông hết cái mới, người tinh ý sẽ nhận ra Lý Trực Sơn đã lại tìm ra một đường hướng riêng từ triển lãm này.

Nhắc đến Lý Trực Sơn là nhắc đến thế hệ đầu của hội họa đổi mới. Ông có 7 năm theo học Trung cấp Mỹ thuật Đông Dương, trưởng thành trong kháng chiến, tiếp tục trở về học đại học và thành giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Những năm 80 của thế kỷ trước, giới văn nghệ sĩ ở vào hoàn cảnh đòi hỏi phải đổi mới sáng tác, Lý Trực Sơn bắt đầu từ giấy dó, muốn đưa nó thành chất liệu hội họa thực thụ. Bộ tranh "Vân Dại" ra đời trong thời kỳ đó - khoảng những năm1986 đến 1989. Lý Trực Sơn muốn giới thiệu với công chúng bộ tranh quan trọng này để dẫn dắt mọi người đi theo hướng sáng tạo mới, khởi nguồn từ chính cái cũ, cái cổ.

Họa sĩ Lý Trực Sơn cho biết, ông chỉ chọn duy nhất nhân vật chèo Xúy Vân và sáng tác rất nhiều về nhân vật này, như muốn dồn vào đó tình yêu nghệ thuật truyền thống của mình. Sinh ra ở Huế, lớn lên và sống ở Hà Nội, Lý Trực Sơn được nuôi dưỡng bởi nền văn hóa Sông Hồng. Lý Trực Sơn, từ thuở 11, 12 tuổi đã thường theo cha mẹ đi xem chèo. Ngày đó, ông mê mệt tiếng hát ngọt ngào của bà Cả Tam, ngây ngất với nhân vật Xúy Vân do bà Diễm Lộc thủ vai. Ông say sưa với những điệu múa cuồng quay của Xúy Vân, với tiếng khóc, tiếng cười cất thành lời hát đầy ám ảnh. Với ông, đây là một nhân vật bi thương lộng lẫy nhất của nghệ thuật truyền thống. Cũng ngày đó, ông chập chững bước vào hội họa. Nghệ thuật truyền thống, với chèo và nhân vật Xúy Vân đầy biểu cảm đã nuôi lớn tâm hồn nghệ sĩ, ảnh hưởng sâu sắc đến con đường sáng tạo của ông. Chính bởi vậy mà ở những thời điểm quan trọng nhất, trước bước ngoặt lớn trong cuộc đời nghệ thuật, Lý Trực Sơn luôn tìm về điểm khởi nguồn sáng tạo: Nghệ thuật truyền thống.

Bộ tranh "Vân Dại" đã thất lạc không ít, nay chỉ còn 29 bức được đưa ra trưng bày. Đúng là một cảnh vẽ lý tưởng để Lý Trực Sơn thoát ra khỏi sự gò bó của tranh lụa truyền thống, thể hiện trên chất liệu mới: Giấy dó và thuốc nước. Chúng không phải là bức tranh minh họa về bi kịch của Xúy Vân, cũng không bê nguyên những động tác múa của nhân vật trên sân khấu. Ông thể hiện Xúy Vân ở nhiều hình thái, cách thức biểu cảm, tạo cho người xem cảm giác xúc động bởi những điều vừa quen thuộc vừa lạ lẫm.

Ở tuổi 66, họa sĩ Lý Trực Sơn vẫn sáng tạo không ngừng nghỉ và chính triển lãm này gợi mở hướng đi của ông: "Bước vào nghệ thuật khác để tìm thấy lối thoát trong hội họa". Lý Trực Sơn chứng minh điều đó trong buổi khai mạc triển lãm (chiều 2-6) khi ông cùng với các nghệ sĩ hàng đầu của làng chèo Việt Nam là NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSƯT Thúy Ngần kết hợp thể hiện trích đoạn "Xúy Vân giả dại" trên sân khấu. Lý Trực Sơn nhẩm hát, không sai một lời, một nhịp. Thế cũng đủ để kéo khán giả đến một không gian nghệ thuật có sự kết hợp giữa âm nhạc - hát chèo cổ và hội họa - tranh giấy dó đương đại của họa sĩ Lý Trực Sơn có tên "Tố nữ dân ca", diễn ra vào tối 13-6 tới.

An Nhi