Nan giải bài toán hướng dẫn viên tiếng Hàn
Du lịch - Ngày đăng : 07:25, 06/06/2015
Thiếu trầm trọng hướng dẫn viên tiếng Hàn
Năm 2014, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 847.958 lượt khách, tăng 113,3% so với năm 2013. Riêng 5 tháng đầu năm 2015, trong khi lượng khách từ các thị trường khác giảm mạnh thì số khách Hàn Quốc vào Việt Nam tăng vọt, đạt 480.000 lượt, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, điều đáng nói là HDV tiếng Hàn Quốc hiện rất thiếu. Tính đến ngày 3-6, trên phạm vi cả nước có 5.048 HDV tiếng Anh, 1.099 HDV tiếng Pháp... nhưng chỉ có 55 HDV tiếng Hàn Quốc. Trên thực tế, không ít người biết tiếng Hàn Quốc nhưng họ không muốn làm HDV dù đã được Tổng cục Du lịch tuyên truyền, vận động rất nhiều.
Ngành du lịch cần định hướng việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Hàn Quốc. Ảnh: Linh Ngọc |
Bởi lẽ, hiện tại lượng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam mỗi năm đều ở mức rất cao, người biết tiếng Hàn Quốc thường chọn việc làm tại các tập đoàn lớn như LG, Samsung vốn cho khoản lương cao hơn nhiều so với việc làm HDV. Hơn nữa, trong con mắt của mọi người, đặc biệt là người miền Bắc, làm du lịch là phục vụ người khác, làm HDV là theo mùa vụ, thu nhập không ổn định, không phải là loại việc được ưu tiên. Hơn nữa, chọn nghề HDV tức phải chấp nhận cảnh "ăn không được ăn như khách du lịch, ngủ thì ngủ phòng xép", nên chẳng mấy ai chịu làm. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, Tổng cục Du lịch đã lập nhiều trung tâm vận động những người đã đi làm việc hoặc học tập ở Hàn Quốc về, mời họ đến để dạy nghiệp vụ, nhưng được vài hôm là họ bỏ vì không muốn làm HDV.
Nguyên nhân khác dẫn đến sự khan hiếm HDV tiếng Hàn Quốc là quy định để cấp thẻ HDV quốc tế chưa phù hợp. Ông Nguyễn Quý Phương cho rằng, tiêu chí cấp thẻ HDV du lịch quốc tế hiện nay đúng là quá cao, yêu cầu phải có bằng đại học, trong khi thực tế cho thấy là chỉ cần có bằng cao đẳng là làm được việc, bởi lẽ với nghề HDV thì chỉ cần ngoại ngữ và nghiệp vụ tốt mà thôi. Tổng cục Du lịch đã đề xuất hạ tiêu chuẩn xuống để cho các trường cao đẳng cũng đào tạo được HDV tiếng Hàn Quốc, nhưng chưa được chấp thuận, bởi lẽ tiêu chuẩn nói trên đã được đưa vào Luật Du lịch.
Cho đến hiện nay, giải pháp khả dĩ để khắc phục hạn chế do thiếu HDV tiếng Hàn Quốc của Việt Nam cũng giống như các nước khác, đó là dùng HDV tiếng Anh - HDV nói bằng tiếng Anh và trưởng đoàn (tour leader) dịch ra tiếng Hàn. Tuy vậy, giải pháp này có hạn chế nhất định bởi chẳng ai cấm tour leader nói với khách, nhưng nếu sự kiểm soát không chặt chẽ thì không thể biết tour leader nói gì, nếu họ nói sai về văn hóa, lịch sử Việt Nam thì đó là điều rất nguy hiểm.
Đẩy mạnh đào tạo, tăng cường tuyên truyền, vận động
Giám đốc Thị trường du lịch Inbound Fiditour Lê Phong Trần đánh giá: "Việc thiếu HDV tiếng Hàn Quốc đang là một trở ngại không nhỏ để du lịch Việt Nam có thể phục vụ tốt cho một thị trường khách hàng nhiều tiềm năng với mức chi tiêu khá tốt, thời gian lưu trú lâu, sử dụng dịch vụ cao cấp… là Hàn Quốc. Đây là một trong những hạn chế nếu du lịch Việt muốn mở rộng phân khúc thị trường khách này trong thời gian tới". Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Lê Phong Trần, chúng ta cần đẩy mạnh công tác đào tạo HDV chuyên nghiệp biết tiếng Hàn Quốc, mà trước mắt là thu hút đào tạo kỹ năng chuyên môn cho những người đã từng có thời gian công tác và làm việc tại Hàn Quốc.
Ngày 22-5 vừa qua, nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng nguồn nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Hàn Quốc, đặc biệt là HDV du lịch cho địa bàn Đà Nẵng và miền Trung, Sở VH,TT&DL Đà Nẵng, Trường Đại học Ngoại ngữ và Trường Cao đẳng Nghề du lịch Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức khai giảng lớp đào tạo tiếng Hàn Quốc cho sinh viên năm thứ 3 và thứ 4 Khoa Tiếng Hàn của Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng và những đối tượng đã tốt nghiệp cao đẳng có kinh nghiệm 5-7 năm làm việc tại Hàn Quốc. Đây là mô hình phối hợp đào tạo giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước và doanh nghiệp, học viên chỉ đóng 35% học phí. Khóa học đầu tiên kéo dài trong 3 tháng và mỗi lớp có 30 học viên. Nội dung được đào tạo gồm: Các môn về nghiệp vụ HDV du lịch; chương trình thực hành cùng doanh nghiệp và CLB HDV; học một tháng về văn hóa, tâm lý khách Hàn Quốc do giáo viên Hàn Quốc đảm nhiệm.
Hy vọng mô hình nói trên sẽ thành công và được nhân rộng ra nhiều nơi. Tuy nhiên, về lâu dài, ngành du lịch Việt Nam cần có định hướng và chiến lược bài bản để tập trung vào đào tạo đội ngũ HDV chuyên nghiệp nhằm phục vụ thị trường du lịch Hàn Quốc ngày một tốt hơn. Ví dụ, chúng ta cần phải đầu tư hơn nữa cho các trường đào tạo HDV du lịch để họ chủ động liên kết với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, các trường đại học của Hàn Quốc để mời dạy hoặc nhờ họ cung cấp giáo trình chuẩn cho Việt Nam. Theo các chuyên gia du lịch, một yếu tố quan trọng nữa là tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đúng về nghề HDV du lịch, rằng HDV cũng là một nghề cao quý chứ không phải chỉ là phục vụ người khác như mọi người thường nghĩ hiện nay.