Nghiêm cấm lập hai hệ thống sổ sách kế toán
Kinh tế - Ngày đăng : 07:19, 06/06/2015
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) Đặng Thái Hùng cho biết, bên cạnh việc siết chặt quản lý hoạt động kế toán, khi luật sửa đổi có hiệu lực, lần đầu tiên sẽ lập Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính quốc gia.
Luật Kế toán (sửa đổi) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động kinh tế. Ảnh: Bá Hoạt |
- Sau 10 năm thực hiện, Chính phủ đã trình Quốc hội (QH) sửa đổi Luật Kế toán, nhằm siết chặt sự quản lý, giám sát với hoạt động này. Vậy, mục tiêu chính của lần sửa đổi này là gì, thưa ông?
- Những thay đổi mạnh về kinh tế, xã hội của nước ta trong 10 năm vừa qua đòi hỏi Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán cho phù hợp với thực tế hiện nay. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động kế toán nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính, Luật Kế toán sửa đổi cũng sẽ tạo điều kiện nhằm tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của cộng đồng DN, nhà đầu tư, người dân trong lĩnh vực này. Qua đó, Luật Kế toán sửa đổi sẽ góp phần nâng cao chất lượng kế toán, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí đối với mỗi đơn vị kế toán, cũng như toàn xã hội.
- Theo Dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi), lần đầu tiên BCTCNN sẽ được lập nhằm cung cấp "bức tranh toàn cảnh" về tình hình tài chính của quốc gia. Báo cáo này có ý nghĩa như thế nào trong việc siết chặt quản lý tài chính công?
- Trước khi có BCTCNN chúng ta chỉ lập báo cáo quyết toán NSNN hằng năm. Báo cáo này không cho thấy tổng thể tình hình tài sản, nguồn vốn và các thông tin khác về tài chính quốc gia. Song, không phải vì chưa có BCTCNN mà công tác quản lý bị buông lỏng. Trong thời gian này, các cơ quan, đơn vị vẫn có những báo cáo tài chính theo những mức độ khác nhau, nhưng chưa có báo cáo tổng thể ở phạm vi toàn quốc.
Với BCTCNN, các cơ quan quản lý cấp trung ương, Quốc hội sẽ có cái nhìn tổng quan hơn khi có trong tay "bức tranh toàn cảnh" về tình hình tài chính công. Đó sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những quyết sách phù hợp về kinh tế. Việc lập BCTCNN cũng phù hợp với hoạt động cải cách tài chính công, hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Theo dự thảo Luật, BCTCNN sẽ tổng hợp về nguồn vốn và sử dụng vốn của quốc gia (hoặc địa phương), gồm các chỉ tiêu như: Thu chi NSNN, các quỹ tài chính nhà nước, nợ công, khoản vốn Nhà nước đầu tư tại DN, các tài sản công và nguồn vốn, tài sản khác của Nhà nước. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính nhận thấy có những quốc gia không lập BCTCNN tổng hợp mà thể hiện bằng các báo cáo tài chính riêng biệt. Song, cũng có quốc gia lập báo cáo tài chính tổng hợp như: Mỹ, Canada, Singapore, Hàn Quốc.
- Việc lập hai hệ thống sổ sách kế toán để đối phó với cơ quan thuế, gian lận thuế, trốn thuế là một trong những bất cập lớn đang diễn ra. Vậy, Luật Kế toán sửa đổi có khắc phục được thực trạng này?
- Theo Luật Kế toán sửa đổi, sẽ bổ sung thêm một số hành vi bị cấm khi hành nghề kế toán như cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức; hành nghề dịch vụ kế toán mà không đăng ký theo quy định của pháp luật; sử dụng cụm từ "dịch vụ kế toán" trong tên gọi của DN khi chưa được Bộ Tài chính cấp phép trong các giao dịch và đặc biệt là cấm tuyệt đối việc lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên.
Riêng thực trạng về việc lập nhiều sổ kế toán, nhiều DN Việt Nam đang duy trì hai loại sổ, gồm: Sổ kế toán báo cáo cơ quan thuế và một sổ sử dụng nội bộ. DN đầu tư nước ngoài cũng tồn tại hai loại sổ là sổ báo cáo với nước sở tại và sổ báo cáo theo chuẩn mực kế toán Việt Nam. Việc này sẽ bị cấm theo quy định của Dự thảo Luật mới. Đây là lần đầu tiên quy định cấm đối với hành vi lập hai hệ thống sổ sách kế toán được luật hóa. Trong Dự thảo Luật đưa ra xin ý kiến lần đầu tiên, Bộ Tài chính dự kiến cấm DN có "hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên để nhằm mục đích trục lợi". Tuy nhiên, sau một số cuộc hội thảo đã có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nên bỏ vế "để nhằm mục đích trục lợi" bởi có thể DN sẽ lợi dụng vào điểm đó để tiếp tục làm sai.
Những hành vi bị cấm được bổ sung trong Luật Kế toán sửa đổi đã được tổng hợp từ thực tế, bởi trước đây những hành vi này chưa được luật hóa nên đã bị một số đối tượng lợi dụng và đã xảy ra tình trạng trục lợi. Danh sách cấm mới được bổ sung sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý bổ sung vào chế tài xử phạt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự với những đơn vị sai phạm.
- Trân trọng cảm ơn ông!