Tội phạm lừa đảo qua điện thoại diễn biến phức tạp: Cần đề cao cảnh giác
Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 06/06/2015
Nghi phạm lừa đảo qua điện thoại bị cơ quan công an bắt giữ. Ảnh: Đàm Huy |
Trong thông báo về thủ đoạn mới của tội phạm qua điện thoại, Tổng cục Cảnh sát - Bộ CA cho biết, gần đây, một số khách hàng của VNPT - Hà Nội nhận được các cuộc gọi giả mạo nhân viên công ty nhắc khách hàng hiện đang nợ cước điện thoại với số tiền lớn (từ 7 đến 8 triệu đồng) yêu cầu thanh toán ngay nếu không sẽ tạm dừng liên lạc và khởi kiện ra tòa. Cơ quan CA đánh giá, mục đích của các cuộc gọi giả mạo này là nhằm thu thập trái phép thông tin cá nhân của khách hàng (gồm tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, tài khoản ngân hàng...), chiếm đoạt tiền bằng cách cung cấp số tài khoản không phải của VNPT Hà Nội để khách hàng thanh toán, hoặc hướng dẫn khách hàng bấm số gọi lại và chuyển tiếp cuộc gọi vào các đầu số dịch vụ giá cước cao để hưởng cước phí gọi đi.
Không chỉ vậy, một số cách lừa đảo khác đến nay đã khá phổ biến nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy. Đánh vào tâm lý hám lợi của một số người, tội phạm nhắn tin hoặc thậm chí gọi điện trực tiếp cho các thuê bao, thông báo khách hàng trúng thưởng với một khoản tiền lớn từ đợt khuyến mãi của các tập đoàn viễn thông. Sau đó, các đối tượng lừa đảo đề nghị khách hàng chuyển tiền chỉ bằng một phần nhỏ so với tổng giá trị giải thưởng vào một tài khoản với lý do để đơn vị viễn thông xác nhận, hoặc gọi đây là khoản chi phí để công ty mang tiền đến tận nhà trả trực tiếp. Có trường hợp, kẻ gian gọi điện cho người sử dụng điện thoại, nhận là người quen lâu không gặp, tiết lộ "thông tin mật" về kết quả xổ số trong ngày, khuyên nạn nhân chơi, gạ chia một phần giải thưởng. Nếu người cả tin chơi xổ số trúng thưởng, đối tượng gọi lại đòi chia tiền, giả sử không trúng thì người bị lừa cũng không biết tìm "người quen" ở đâu.
Một loại nạn nhân khác dễ vào tròng bọn lừa đảo là các gia đình có con em nhân thân xấu: Đang thụ án, đang cai nghiện tập trung, có biểu hiện mắc tệ nạn, đang trong giai đoạn bị điều tra... Thông qua điện thoại, tội phạm móc nối với gia đình có hoàn cảnh như trên, hoặc đe dọa đang bắt giữ người để xiết nợ, đòi tiền để chuộc người; hoặc thông báo con em họ đang lâm bệnh trong các trại giam, trung tâm cai nghiện, đề nghị chuyển tiền để cứu chữa, chạy án. Với thủ đoạn này, tội phạm gây hoang mang cho nạn nhân, dẫn đến hành động vội vàng, thiếu suy xét, mất số tiền không nhỏ. Theo thông tin chưa chính thức thì gần đây, tội phạm còn manh động, tinh vi hơn khi điện thoại đến cơ quan công quyền ở cơ sở, thông báo việc phạm nhân, trại viên có gia đình cư trú trên địa bàn bị bệnh nặng, đề nghị chính quyền báo với gia đình. Nếu cán bộ cơ sở chủ quan không truy xét, lại vội vàng nhận định thông tin theo tính chất "khẩn nguy" mà thông báo cho gia đình phạm nhân, trại viên là mắc bẫy, vô tình tiếp tay cho tội phạm...
Khác với các hình thức lừa đảo khác, việc truy xét các vụ lừa đảo qua điện thoại không dễ, do tội phạm sử dụng các chiêu thức hiện đại, tinh vi, ít để lại dấu vết kỹ thuật... Trong khi đó, chỉ mất ít công dàn dựng kịch bản, tốn chút thời gian để gọi điện, tội phạm dễ dàng kiếm được không ít tiền từ những trường hợp dính bẫy. Đó là những nguyên nhân khiến cho tội phạm dạng này được dự báo là sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Chính vì vậy, nâng cao cảnh giác vẫn là cách phòng ngừa tốt nhất, tránh những thiệt hại.
Cơ quan CA hướng dẫn người dân khi nhận được các cuộc gọi giả mạo nêu trên cần bình tĩnh, không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, không chuyển tiền thanh toán qua ngân hàng vào số tài khoản không phải của VNPT Hà Nội, không thực hiện bấm số gọi lại để tránh phát sinh cước. Với đối tượng giả danh cơ quan công quyền để đe dọa, các thuê bao cần tìm cách xác minh, báo cho CA địa phương, bởi thực tế là các cơ quan này không thực hiện giao dịch qua điện thoại. Với các kiểu gọi điện thoại đe dọa giữ người, thông báo con em gặp nạn, gia đình cũng phải xác minh, kiểm tra chéo... để tránh sập bẫy tội phạm lừa đảo.