“Trăng vàng ngồi vớt trăng vàng”

Sách - Ngày đăng : 06:40, 05/06/2015

(HNM) - Hoàng Việt Hằng là người mê mải đi. Dường như nhà thơ cứ phải đi để bắt gặp rồi rưng rưng, trĩu nặng những tâm tình, khám phá thế giới bên ngoài và phát hiện lại bản thân. Tập thơ thứ bảy của chị cho thấy ở quãng thời gian không còn phải - và cũng không thể - quá bươn chải, Hoàng Việt Hằng

Những rưng rưng hay hướng về phận đàn bà, thường có địa chỉ cụ thể: Bà góa, mẹ già ở Gio Linh, người bán ngô nướng ở ngay Hàng Ngang. Chiến tranh và cả hoàn cảnh riêng làm tôi nhớ đến mấy câu thơ khiến day dứt của chị thuở nào: Con chồng vợ cũ đồng sâu / lấy chồng lấy cả nỗi đau của chồng. Bây giờ, Hoàng Việt Hằng lại gây ám ảnh với thể lục bát:

bước qua khó nhất chân mình
tâm yên lật giở trang kinh kệ này
chiều nào ngồi nhặt gió bay
chiều nào nhìn chỉ lòng tay vẫn nhàu
(Chuông vừa thả xuống chiều mưa)
Cảnh chùa là nơi gọi lên những câu thơ rất mảnh, gợi, như ở "Chiều nghiêng ở Bổ Đà":
bỏ chạy đua với đèn đỏ đèn vàng
theo vãi về chùa quét dọn mùa sang
quét lá vườn chạng vạng với đèn nhang
rồi quanh quẩn rêu phong sớm tối


Tập thơ còn nhiều bài có "chủ đề" kinh kệ, sư sãi, tiếng chuông chùa. Dường như ở tâm thế thơ hiện tại, Hoàng Việt Hằng có hai thái cực khá xa nhau. Một đằng, về nội dung, chị hướng về những gì rất truyền thống, luyến tiếc nhưng xa ngái: Giếng đất quê ngoại, men gốm Thổ Hà… Mặt khác, chị tìm một hướng thể hiện ý tứ không giống ngày trước. Có vẻ vần điệu không còn quá quan trọng, thay vào là lối nói "như thường ngày", có lúc như tự lẩn mẩn. Tiết tấu câu thơ thay đổi đi khi có những dấu "chấm" chen vào. Nhưng với tôi, có vẻ sự mở mang ra này chưa "tới". Hy vọng nó sẽ nhuần nhuyễn hơn trong giai đoạn sau của Hoàng Việt Hằng.

Hoàng Định