Cần thiết nhưng phải cẩn trọng!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:30, 05/06/2015

(HNM) - Việc quy định quyền im lặng trong Luật Tố tụng hình sự tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua. Thậm chí, có một tờ báo đã mở diễn đàn để tìm kiếm những ý kiến xoay quanh vấn đề này nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Nhiều ý kiến khẳng định: Quyền im lặng đối với những bị can, người bị tạm giữ, người phạm tội là xuất phát từ quyền cơ bản của con người. Do vậy, việc quy định quyền im lặng trong Luật Tố tụng hình sự là một bước phát triển tự nhiên và cần thiết trong hệ thống pháp luật. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải quy định quyền im lặng vẫn có thể sử dụng nhiều biện pháp khác để thực thi giám sát quá trình điều tra vụ án, giảm bức cung, án oan sai... Ây là chưa kể thực hiện quyền im lặng có thể dẫn đến những hệ lụy phải trả giá rất đắt. Cả hai luồng ý kiến nêu trên không phải không có cơ sở.

Trước hết, có thể nói, trong thế giới hội nhập và phát triển hiện nay, Việt Nam không thể đứng ngoài những giá trị vốn được xem là văn hóa pháp luật. Nếu phù hợp với công ước quốc tế, tại sao chúng ta không chính thức ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội trong Luật Tố tụng hình sự, cũng như ghi nhận quyền từ chối cung cấp lời khai hoặc bị hỏi cung khi chưa có người bào chữa? Thêm nữa, từ thực tế những vụ án kêu oan đã làm tiêu tốn khá nhiều giấy mực của giới truyền thông như vụ án Hồ Duy Hải (Long An), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)... đã cho thấy vẫn còn tình trạng "trọng cung" hơn "trọng chứng". Thậm chí, ở nhiều vụ án, tình trạng này thể hiện xuyên suốt từ khi khởi tố đến xét xử. Một khi quyền im lặng bảo đảm cho người vô tội có thể tránh được việc tự buộc tội chính mình thì hẳn là yêu cầu cần được thực hiện.

Tuy nhiên, thực tế đấu tranh chống tội phạm cho thấy, không ít quốc gia đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi quy định quyền im lặng. Nhiều vụ án đã không thể mở ra hướng điều tra khi nghi phạm từ chối giải thích bất cứ câu hỏi liên quan nào. Thực tế cũng đã xảy ra nhiều trường hợp nghi phạm đã chọn cách im lặng để đồng bọn có thời gian tiếp tục phạm tội hay bỏ trốn, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Đặc biệt đối với các loại tội phạm có tổ chức như khủng bố, ma túy... thì "sự im lặng" càng trở nên nguy hiểm và đáng sợ. Khi quyền im lặng đã trở thành công cụ của giới tội phạm nhằm chống lại pháp luật, rõ ràng cái giá phải trả sẽ rất lớn... "Trong những vụ án nghiêm trọng, có nhiều đối tượng tham gia thì việc sớm khám phá ra sự thật cũng có nghĩa là tạo thêm cơ hội để ngăn chặn những hành vi ác độc và bảo vệ người vô tội..." - Đây là một nhận định mang tính thực tế và rất đáng để suy nghĩ.

Từ những luồng ý kiến khác nhau như vậy có thể thấy: Giá trị cao nhất của pháp luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, cho những người yếu thế trong xã hội. Do vậy, người bị tình nghi phạm tội, bị bắt, tạm giữ hoặc bị can, bị cáo cần được sự trợ giúp pháp lý ngay từ đầu và họ cần được quyền tránh việc tự buộc tội chính mình. Tuy nhiên, cần hết sức cẩn trọng trong quy định quyền im lặng để tránh gây ra những hậu quả tiêu cực. Nước Anh "quê hương" của quyền im lặng hiện tại đã cho phép cơ quan tố tụng, trong những trường hợp cụ thể, có thể xem xét sự im lặng như một bằng chứng có tội. Đó là một trong nhiều giải pháp có thể tham khảo.

Thế Phương