Phải quy trách nhiệm của người công bố thông tin thống kê
Chính trị - Ngày đăng : 15:28, 04/06/2015
(HNMO) – Chiều 4/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật thống kê (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là các quy định, phương pháp để đảm bảo độ minh bạch, chính xác của thông tin thống kê.
Tại tổ Hà Nội, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc sửa đổi luật, nhằm nâng cao chất lượng thống kê và cho rằng, dự luật sửa đổi đã đáp ứng tốt việc khắc phục những nhược điểm của luật hiện hành. Các đại biểu tán thành cao với phạm vi điều chỉnh của luật, áp dụng với cả đối tượng thống kê Nhà nước và ngoài nhà nước.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, điểm mạnh của dự luật là đã nêu rõ được mối quan hệ từ tỉnh, thành, bộ, ngành về thống kê, cụ thể hóa được nhiều nội dung về chỉ tiêu thống kê quốc gia, bộ, ngành, địa phương, đảm bảo không chồng chéo, thông tin thống kê được khách quan, trung thực, có giá trị tin cậy cao, giúp cho việc hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, đại biểu Hường cũng nhận xét, dự luật chưa thể hiện rõ quy định về hướng dẫn thống kê ở cấp xã, phường, quy định về lịch công bố thông tin thống kê và người chịu trách nhiệm về các con số thống kê.
Các đại biểu Bùi Thị An, Trịnh Thế Khiết, Đinh Xuân Thảo cũng đề nghị, dự luật cần phải có những quy định chặt chẽ, có chế tài xử lý nghiêm khắc để khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa các con số thống kê được công bố, đảm bảo sự minh bạch, chính xác của các con số được công bố và sự độc lập của cơ quan thống kê.
“Với những chỉ số mang tính chất quan trọng, thể hiện sức khỏe của đất nước như GDP thì phải được thể hiện độ chính xác một cách khoa học, có quy định sai số cụ thể”, đại biểu An nói.
Đại biển Bùi Thị An, Phạm Huy Hùng đề nghị thêm, nên đưa tổ chức thống kê về cho Quốc hội quản lý, đồng thời quy định trong luật những điều khoản về phương pháp thống kê.
Về vấn đề này, đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, không thể coi thống kê như kiểm toán được. Các con số thống kê tùy thuộc vào từng cơ quan, vấn đề là quy định vào luật phương pháp thống kê sao cho đảm bảo độ chính xác, tin cậy. Nếu giao về Quốc hội, Quốc hội lại dựa vào con số từ các địa phương báo cáo lên thì cũng vẫn không thể đảm bảo độ chính xác. Điều quan trọng là quy định trách nhiệm rõ ràng của người báo cáo con số thống kê.
Cũng tán thành mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự luật, đại biểu Nguyễn Minh Quang đánh giá, các điều luật liên quan đến hoạt động thống kê ngoài nhà nước chưa được quy định đầy đủ, tương xứng trong dự luật. Đại biểu đề nghị, dự luật làm rõ về loại hình thống kê ngoài nhà nước, những lĩnh vực thống kê ngoài nhà nước không được làm…
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Huy Hùng đề nghị, dự luật nên đưa thống kê ngoài nhà nước vào loại hình kinh doanh có điều kiện, bởi những con số, thông tin thống kê có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội.
Cũng trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã cho ý kiến về Dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).