Giải đáp những thắc mắc liên quan đến Dự án giãn dân phố cổ Hà Nội

Kinh tế - Ngày đăng : 13:09, 04/06/2015

(HNMO) - Đề án Giãn dân phố cổ (GDPC) Hà Nội là một chủ trương lớn của Thành ủy và UBND Thành phố, nhằm thực hiện mục tiêu làm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ mật độ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha tính đến năm 2020.

Dự án được thực hiện để bảo tồn, tôn tạo các di tích và các công trình kiến trúc có giá trị trong khu phố cổ Hà Nội, góp phần cải thiện môi trường đô thị, cải thiện đời sống cho nhân dân trong khu phố cổ.

Để giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến ý nghĩa, mục đích, quá trình triển khai dự án, Báo Hànộimới xin đăng toàn văn những giải đáp của lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm với nhân dân.

Câu 1 : Mục đích GDPC

Trả lời : Khu phố cổ Hà Nội đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích Lịch sử Quốc gia từ năm 2004.

1. Khu phố cổ Hà Nội với diện tích khoảng 81ha nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, với tổng số dân khoảng 66.600 người tương ứng với mật độ 823 người/ha, sẽ thực hiện giảm xuống còn 500 người/ha là mật độ khống chế theo qui hoạch đến năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người dân.

2. - Tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc bảo tồn tôn tạo các di tích và các công trình kiến trúc cổ có giá trị trong khu phố cổ Hà Nội; phát triể đô thị bền vững; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển trong có có dịch vụ du lịch.

3. Tạo điều kiện cho nhân dân phố cổ cải thiện về nhà ở và thụ hưởng các giá trị khác về vật chất tinh thần nơi di và nơi đến.

Câu 2 : Yêu cầu GDPC


Trả lời :1. Đồng bộ hạ tầng kỹ thuật , hạ tầng xã hội, bảo đảm 40% hộ có nơi kinh doanh, giải quyết việc làm, đảm bảo quyền lợi người dân, công khai , dân chủ minh bạch và đúng pháp luật.

2. Quản lý tốt dân cư và chống tái sử dụng phần diện tích đã di dời theo quy định.

3. Xây dựng khu GDPC văn minh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phù hợp với truyền thống của Người dân phố cổ.

Câu 3: Nhiệm vụ tổ chức thực hiện giãn dân phố cổ giai đoạn một

Trả lời: Công tác giãn dân phố cổ được thực hiện theo 2 dự án như sau:

* Dự án 1: " Tổ chức di dời khoảng 1.530 hộ dân bao gồm các đối tượng (theo số liệu điều tra xã hội học):
Các hộ dân sống trong các di tích, trường học, công sở:

Các hộ dân sống trong các biển số nhà đông hộ (diện tích ở bình quân dưới 5m2/người), các chung cư xuống cấp và các hộ dân có hộ khẩu và đang sinh sống trong khu phố cổ có nhu cầu tự nguyện di chuyển, khoảng 1000 hộ.

* Dự án 2: " Đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng"

Với diện tích khu đất 11,12ha trong khu đô thị mới Việt Hưng đã được Thành phố phê duyệt.

Phối cảnh khu nhà ở giãn dân phố cổ hiện đang xây dựng.


Câu 4: các chính sách giãn dân phố cổ giai đoạn một

Trả lời : Một số cơ chế chính sách khung đặc thù thực hiện Đề án giãn dân phố cổ

1. Áp dụng theo quy định, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Đối tượng:

Gồm các hộ dân sống trong các di tích, công sở, trường học, biển số nhà cần di dời toàn bộ để phục vụ công tác bảo tồn theo luật di sản văn hóa; các hộ dân sống trong phạm vi phải giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư.

Cơ chế chính sách:

Áp dụng cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo các quy định của pháp luật khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố.

- Giá bán nhà tái định cư tại khu nhà ở giãn dân phố cổ trong khu đô thị mới Việt Hưng - Long Biên theo giá nhà tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Áp dụng đối với các đối tượng tự nguyện giãn dân

Đối tượng:

Gồm các hộ dân sống trong các biển số nhà đông hộ (diện tích ở bình quân dưới 5m2/người), các chung cư xuống cấp; các hộ dân có hộ khẩu và đang sinh sống trong khu phố cổ có nhu cầu tự nguyện di chuyển.

Cơ chế chính sách:

- Mỗi hộ giãn dân được mua 01 căn hộ tại khu nhà ở giãn dân với giá đảm bảo kinh doanh. Giá bán nhà theo giá đảm bảo kinh doanh là giá thành xây dựng bao gồm các chi phí cộng lãi vay ngân hàng (theo định mức quy định về mức lượng vay và thời hạn vay) và lợi nhuận định mức TP quy định. Diện tích căn hộ được bố trí phù hợp với số nhân khẩu trong hộ di chuyển. Áp dụng với cả những trường hợp hộ gia đình đông khẩu có nhiều thế hệ đang sinh sống có nguyện vọng tách hộ để di chuyển một phần nhân khẩu sang nơi ở mới.

Câu 5: các chính sách giãn dân phố cổ giai đoạn một

Trả lời : 2.1 Các giải pháp thực hiện về công tác tuyên truyền vận động :

Giãn dân phố cổ là quá trình điều tiết cơ học mật độ dân cư với sự hỗ trợ của nhà nước về nơi định cư và một số chính sách ưu đãi. Do đó công tác giãn dân không mang yếu tố cưỡng chế, bắt buộc mà chủ yếu dựa trên sự tự nguyện của người dân. Chính vì vậy công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo tính khả thi và sự thành công của công tác giãn dân phố cổ, cụ thể:

- Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức Đoàn thể phổ biến tuyên truyền về công tác giãn dân, làm cho người dân thấy rõ được lợi ích cho xã hội cũng như cho từng hộ dân.

- Giới thiệu về quy hoạch, thiết kế khu đô thị giãn dân Việt Hưng - Long Biên - Hà Nội nhằm giúp người dân có đầy đủ thông tin về khu định cư mới trước khi quyết định di chuyển.

- Tìm hiểu nguyện vọng chính đáng của các hộ dân để làm cơ sở điều chỉnh và thực hiện các bước tiếp theo của công tác giãn dân phố cổ.

- Tổ chức xây dựng khu đô thị giãn dân tại Việt Hưng, đảm bảo chất lượng phù hợp với yêu cầu đặc điểm và tính chất đời sống của người dân phố cổ .

- Vận động, khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa cho việc thực hiện dự án giãn dân phố cổ Hà Nội, để đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra một cách sớm nhất.

- Tổ chức việc di chuyển giãn dân đảm bảo công khai, dân chủ minh bạch. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân trong quá trình di chuyển.

- Phối hợp với UBND quận Long Biên đảm bảo các điều kiện hạ tầng xã hội phục vụ kịp thời các hộ dân sau khi chuyển đến.

Câu 6: Giãn dân phố cổ giai đoạn hai

Trả lời : Để có đủ quỹ đất phục vụ giãn dân phố cổ giai đoạn 2 đáp ứng di dời khoảng 5000 hộ dân với quỹ đất phục vụ giãn dân là 30ha, ngay trong năm 2015 cần báo cáo Thành phố bố trí quỹ đất và phấn đấu 2020 kết thúc cả hai giai đoạn của dự án

Câu 7: Quy hoạch giãn dân phố cổ giai đoạn một


Trả lời : Ngày 21/9/2011 UBND Thành phố đã có Quyết định số 4405/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các ô đất phục vụ giãn dân phố cổ .

- Khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Việt Hưng được xây dựng là một khu nhà ở có chất lượng cao, với không gian sống phù hợp với thói quen, điều kiện sinh hoạt và kinh doanh thương mại của người dân phố cổ, đáp ứng đủ quỹ nhà phục vụ giãn dân giai đoạn 1 và bố trí đủ chỗ kinh doanh cho 40% số hộ dân có diện tích kinh doanh.

.- Khu nhà ở giãn dân phố cổ được thiết kế các căn hộ mang tính thẩm mỹ cao, có mặt tiếp giáp thoáng với không gian xung quanh, phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, con người và cộng đồng, kết nối hài hòa về không gian kiến trúc và hạ tầng với khu đô thị mới Việt Hưng.

- Đảm bảo điều kiện hạ tầng xã hội cho người dân phố cổ sang sinh sống trong khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Việt Hưng sẽ xây dựng một trường mẫu giáo, nhà trẻ và một trạm y tế. Trong mỗi tòa nhà bố trí một không gian sinh hoạt cộng đồng phục vụ cho người dân sống trong tòa nhà.

- Cơ cấu căn hộ tại khu đô thị GDPC được hình thành dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu của người dân như sau:

+ Căn hộ có diện tích từ 45m2 đến dưới 75m2 chiếm khoảng 30%

+ Căn hộ có diện tích từ 75m2 đến dưới 100m2 chiếm khoảng 50%

+ Căn hộ có diện tích từ 100m2 trở lên chiếm khoảng 20%

Câu 8: Huy động các nguồn lực để thực hiện dự án

Trả lời : Từ vốn ngân sách và huy động doanh nghiệp tham gia

Câu 9: Cơ chế chính sách quản lý sử dụng quỹ nhà - đất và ngăn ngừa tăng dân số trở lại sau khi GPMB


Trả lời : * Cơ chế về quản lý quỹ nhà đất sau khi GPMB

- Đối với các công trình thuộc sở hữu Nhà nước: Diện tích nhà đất sau khi GPMB sẽ được bàn giao cho các đơn vị hoặc chủ sở hữu chịu trách nhiệm sử dụng công trình (như di tích, công sở, trường học, đơn vị quản lý quỹ nhà của nhà nước) để quản lý, sử dụng theo quy hoạch và pháp luật hiện hành.

* Cơ chế kiểm soát và ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại

- Xây dựng quy chế, điều lệ quản lý khu phố cổ Hà Nội theo quy hoạch chung, theo đó quản lý chặt chẽ mật độ dân số trong các biển số nhà để tránh tình trạng làm tăng dân số sau khi đã tổ chức giãn dân.

- Tổ chức xây dựng và quản lý, khai thác sử dụng khu nhà ở giãn dân phố cổ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân phố cổ để họ yên tâm sinh sống ổn định tại nơi ở mới.

- Tiến hành lập hồ sơ quản lý các hộ còn lại trong khu phố cổ để quản lý.

- Các hộ dân sau khi nhận căn hộ tại nơi định cư mới phải có bản cam kết chuyển hộ khẩu khỏi nơi cư trú cũ tại khu phố cổ quận Hoàn Kiếm. UBND quận Hoàn Kiếm sẽ có quy chế cụ thể để kiểm soát chặt chẽ và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp KT2 đi và KT2 đến.

- Đối với các hộ tự nguyện và tách hộ để giãn dân, UBND quận Hoàn Kiếm kiểm soát chặt chẽ đầu đi và đến, cụ thể: trường hợp nhận nhà không đến ở mà bán hoặc cho thuê, đồng thời quay lại nơi ở cũ thì sẽ bị thu hồi căn hộ và xử lý theo quy định pháp luật. Điều này sẽ được quy định rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ giãn dân.

- Kiểm soát chặt chẽ và áp dụng biện pháp cưỡng chế để trả lại hiện trạng ban đầu đối với mọi hành vi tái lấn chiếm dưới mọi hình thức tại các vị trí đã được giải phóng mặt bằng.

Câu 10: Cơ chế chính sách đối với Nhà đầu tư

Trả lời : Nhà đầu tư ứng vốn thi công được 15% số lượng căn hộ để bán theo giá thị trường, được hưởng các ưu đãi khác theo qui định của pháp luật.

Câu 11: Tiến độ thực hiện dự án

* Giai đoạn 1 (2015 - 2017):

Ngày 21/9/2011 của UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 4405/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các ô đất phục vụ giãn dân phố cổ trong khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội; bao gồm 16 tòa nhà ở cao 9 tầng, 01 tòa nhà hỗn hợp (gồm trung tâm thương mại dịch vụ, chung cư, công trình công cộng) cao 15 tầng, các công trình phúc lợi công cộng như: nhà trẻ - mẫu giáo - trạm y tế - không gian sinh hoạt cộng đồng.

Ngày 09/01/2013 UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 168/QĐ-UBND phê duyệt Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội. Ngày 06/5/2013 UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 2917/QĐ-UBND về việc thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ. Ngày 01/8/2013 UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 4569/QĐ-UBND cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên.

Hiện nay UBND quận Hoàn Kiếm đã giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư; dự kiến sẽ khởi công xây dựng công trình vào quý I- 2015. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Câu 12. các đối tượng tự nguyện di dời có được tự do bán nhà tại nơi ở phố cổ không? giải quyết như thế nào.

Trả lời : - Đối với các hộ tự do chuyển nhượng theo giá thị trường: Các hộ được quyền tự do bán theo giá thỏa thuận (Thuận mua - vừa bán) nhưng phải thỏa mãn các điều kiện khống chế đối với người mua như sau:

+ Nhà nước khuyến khích các hộ tự chuyển nhượng theo giá thỏa thuận nhằm hợp khối , mở rộng không gian sống, phát triển kinh doanh nhưng phải bảo tồn được phố cổ.

+ Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân ngoài phố cổ mua nhà nhằm mục đích sử dụng công trình không phải để ở (Điều này phải ghi rõ trong hợp đồng mua bán và phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).

+ Người mua là Nhà đầu tư được UBND quận Hoàn kiếm cho phép bỏ vốn mua gom để lập các dự án đầu tư xây dựng cải tạo theo đúng các mục tiêu, qui chế bảo tồn tôn tạo phố cổ hoặc theo đúng các điều kiện khống chế của Đề án.

Các hộ tự nguyện di chuyển có nhu cầu di chuyển sang khu đô thị Việt Hưng, được nhà nước bán nhà theo giá đảm bảo kinh doanh do Thành phố phê duyệt.

Câu 13. các đối tượng tự nguyện di dời tự giãn giải quyết như thế nào:

+ Các hộ đang sống trong các căn hộ quá chật chội (diện tích thực tế sử dụng  5m2/ người) được tách hộ để di chuyển .

+ Các hộ nghèo và cận nghèo (theo chuẩn nghèo ban hành tại năm triển khai công tác di dời). Các hộ thuộc đối tượng chính sách tự nguyện giãn dân, được được mua nhà ở theo giá nhà cho người thu nhập thấp, mua nhà trả góp, thời hạn trả góp tối đa 10 năm.

+ Các hộ dân trong diện GDPC nếu chứng minh được không đủ tiền mua căn hộ theo tiêu chuẩn thì sẽ được xét cho thuê nhà. Giá thuê nhà theo quy định của Thành phố.

Câu 14. Cơ chế chính sách quản lý diện tích nhà - đất sau khi GPMB

Trả lời : - Đối với những biển số nhà đông hộ đang thuê nhà của Nhà nước, diện tích bình quân  5m2/ người mà không tự thỏa thuận được để giãn dân thì Nhà nước sẽ thu hồi tiến hành bán đấu giá hoặc giao cho công ty quản lý nhà để quản lý cho thuê, kinh doanh thương mại ...

- Đối với các công trình thuộc sở hữu Nhà nước: Diện tích nhà đất sau khi GPMB sẽ được bàn giao cho các chủ sử dụng công trình (như di tích, công sở, trường học) theo các qui định hiện hành của Luật đất đai.
- Các trường hợp còn lại sau khi thu hồi sẽ được sử dụng theo quy hoạch của Nhà nước.

Câu 15. Cơ chế kiểm soát và ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại


Trả lời : - Tiến hành lập hồ sơ quản lý các hộ còn lại trong khu phố cổ để quản lý bao gồm các nội dung sau: Tên chủ hộ, số nhân khẩu, diện tích ở bình quân.

- Có bản cam kết khi tách hộ phải có địa điểm nơi ở mới của hộ tách.

- Không làm thủ tục mua bán chuyển nhượng nhà tách sổ đỏ trong khu phố cổ chỉ giải quyết trường hợp mua bán chuyển nhượng toàn phần.

- Công bố điều kiện khống chế về chỉ tiêu diện tích nhà ở đối với những hộ đăng ký cư trú lâu dài tại Khu phố cổ (sau thời điểm GDPC). Chuẩn diện tích được kiến nghị khống chế là 25 m2 sàn /người (là chuẩn diện tích bình quân nhà ở năm 2020)

- Nghiên cứu và công bố các chỉ tiêu qui hoạch về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tổng diện tích sàn xây dựng đối với từng biển số nhà trong khu phố cổ

- Tất cả công trình nhà cửa, vật kiến trúc thuộc mọi hình thức sở hữu, khi có nhu cầu xây dựng nâng cấp, cải tạo, mở rộng trước khi tiến hành việc xây dựng đều phải tuân theo pháp luật Nhà nước và bảo vệ di sản theo đúng qui định của Luật Di sản Văn hóa

- Bắt buộc các hộ dân ngay sau khi nhận căn hộ tại nơi định cư mới phải chuyển ngay hộ khẩu khỏi nơi cư trú cũ.

- Kiểm soát chặt chẽ và áp dụng biện pháp cưỡng chế để trả lại hiện trạng ban đầu đối với mọi hành vi tái lấn chiếm dưới mọi hình thức tại các vị trí đã được GPMB.

Câu 16: Cơ chế quản lý khu GDPC sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng

Trả lời : - Bàn giao hệ thống Hạ tầng kỹ thuật đô thị, cho các sở chuyên ngành Thành phố quản lý.

- Khu GDPC sau khi hoàn thành đầu tư đưa vào sử dụng sẽ được bàn giao cho UBND quận Long Biên để quản lý.

* Quản lý chung cư cao tầng và DVTM:

- Các chung cư cao tầng được quản lý theo các qui định hiện hành TP và của Bộ Xây dựng.

- Chủ đầu tư lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ quản lý, bảo trì nhà cao tầng và các DVTM. Trong đó ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư ứng vốn thi công.

Câu 17: Trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi thực hiện Đề án giãn dân phố cổ

Trả lời : Các Sở, ngành Thành phố có liên quan phối hợp thực hiện theo chức năng thẩm quyền được Thành phố quy định. Ngoài ra:

- Sở Kế hoạch – Đầu tư; Sở Qui hoạch kiến trúc, phối hợp nghiên cứu các vấn đề về đầu tư khai thác sử dụng vận hành khu nhà ở giãn dân tại Việt Hưng.

- Sở Xây dựng, Sở Tài chính phối hợp nghiên cứu các vấn đề về giá bán nhà, giá đền bù giải phóng mặt bằng và giá bán nhà khu nhà ở giãn dân tại Việt Hưng.

- Sở Tài nguyên môi trường, Ban chỉ đạo GPMB Thành phố Hà Nội phối hợp nghiên cứu các vấn đề về quản lý thu hồi đất, giải phóng mặt bằng sau khi các hộ dân di dời sang nơi ở mới.

- Sở Tư pháp phối hợp nghiên cứu các cơ sở pháp lý để thực hiện Đề án giãn dân phố cổ và cơ chế kiểm soát ngăn ngừa tăng dân số trở lại sau khi giãn dân.

- Sở Giao thông vận tải; Sở Công thương; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Nội vụ; Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch; Quỹ đầu tư phát triển Thành phố Hà nội; UBND Quận Long Biên; Tập đoàn Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị HUD phối hợp nghiên cứu các vấn đề liên quan.

Đề án giãn dân phố cổ là một chủ trương lớn được Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện. Việc xây dựng Đề án giãn dân phố cổ có rất nhiều khó khăn, lại chưa có tiền lệ, do vậy để có căn cứ xây dựng Đề án, quận Hoàn Kiếm cùng đơn vị tư vấn đã tổ chức điều tra xã hội học, nghiên cứu các cơ chế chính sách để thực hiện giãn dân phố cổ trên cơ sở pháp luật quy định, ngoài ra có một số cơ chế đặc thù đã được nghiên cứu đề xuất để đáp ứng nhu cầu của người dân phố cổ.

Lan Hương (ghi)