Phải có thương hiệu gạo Việt Nam
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 04/06/2015
Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm, phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.
Việt Nam là quốc gia gắn với nền văn minh lúa nước, người nông dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm canh tác. Việt Nam có nhiều giống lúa có chất lượng cao, chịu được hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh... Hà Nội và những vùng lân cận cũng có những giống lúa nổi tiếng trong và ngoài nước làm nên nhiều loại bún, bánh, cốm đặc sản... Có thể nói lúa nước là cây trồng chủ lực, là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Thế nhưng có một thực tế là: Dù đứng thứ hai trong số cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng hạt gạo Việt Nam vẫn phải "vật vã" cạnh tranh với gạo xuất khẩu của Thái Lan, Ấn Độ... Giá cả bình quân trong nhiều năm cho một tấn gạo của Việt Nam là 475 USD và đang có xu hướng thấp dần.
Mấy tháng đầu năm nay, theo nguồn tin qua các kỳ họp của Chính phủ, sản lượng và giá cả một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của ta không đạt kế hoạch, trong đó có mặt hàng chủ lực là gạo. Theo nguồn thông tin khác, nhiều loại gạo của Việt Nam cùng phẩm cấp có giá luôn thấp hơn Thái Lan, có thời điểm thấp hơn 100 USD/tấn. Gạo thơm của Việt Nam chỉ có giá 620 USD/tấn, trong khi cùng loại gạo, phẩm cấp loại B của Thái Lan đã có giá 1.000 USD/tấn.
Giá gạo Việt Nam luôn thấp và khó cạnh tranh do nhiều nguyên nhân như: Các vấn đề liên quan đến sau thu hoạch đã được nêu ra rất nhiều, nhưng chưa được khắc phục, việc dự trữ gạo chờ dịp bán thuận lợi chưa được tổ chức nền nếp... Và một nguyên nhân không thể bỏ qua là gạo Việt Nam chưa có thương hiệu, trong khi đó, vấn đề thương hiệu trên thế giới đã hình thành từ rất lâu... Một ví dụ điển hình, cùng là gạo trắng nhưng sở dĩ gạo Thái Lan bán đắt hơn 5% so với gạo của Việt Nam (gần 400 USD/tấn) vì gạo Việt Nam chưa có thương hiệu. Trong khi chúng ta gọi chung chung là gạo trắng thì các nước đã có hàng trăm loại gạo trắng có thương hiệu khác nhau, có loại thương hiệu được quảng cáo liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng, định vị bền vững trong người tiêu dùng.
Gần đây, một số địa phương đã chú ý tới thương hiệu gạo cũng như một số nông sản như gạo trắng Hải Hậu, gạo dự Nam Định, gạo Bồ Câu, nếp Điện Biên, Nghĩa Lộ… nhưng quy trình, tiêu chuẩn, việc bảo vệ thương hiệu độc quyền vẫn chưa chặt chẽ và ổn định, ngay cả người tiêu dùng cũng chưa thật sự tin cậy. Muốn có thương hiệu bền vững, có uy tín trước hết người sản xuất phải có ý thức về thương hiệu, có hệ thống pháp luật và cơ quan bảo vệ thương hiệu..., chưa kể việc quảng bá thương hiệu. Trong sản xuất phải xóa bỏ tư tưởng làm ăn theo phong trào, cần có những cánh đồng lớn, tránh lại giống, lẫn giống. Con đường gây dựng thương hiệu theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt là rất khó nhưng chắc chắn sẽ thành công nếu có được sự liên kết giữa người làm khoa học, người nông dân và hệ thống chế biến, tiêu thụ.