Quá nhiều thứ phải chuẩn bị

Kinh tế - Ngày đăng : 06:54, 03/06/2015

(HNM) - Không chỉ chưa phát huy hết chính sách hỗ trợ mà khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho phép, nhiều chuyên gia còn cho rằng, hiện nay nhiều chính sách của Nhà nước là hỗ trợ… ngược. Lý do, những chính sách này có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) hơn các doanh nghiệp


Việt Nam đã ký kết 9 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán một loạt FTA quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU... Các FTA này đang mở ra nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế, tuy nhiên các FTA cũng hạn chế việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước phát triển. Trong khi các chính sách bị hạn chế thì với các chính sách mà khuôn khổ các FTA cho phép, Việt Nam lại chưa tận dụng tốt. Đó là ý kiến của hầu hết đại biểu tại hội thảo "Không gian chính sách hỗ trợ cho các ngành kinh tế còn lại gì sau các FTA" diễn ra ngày 1-6, tại TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp cần chủ động đón đầu các hiệp định thương mại.


Chọn hai ngành điện tử và chế biến thực phẩm để phân tích về tác động của các chính sách sau FTA, ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng: Trong khi tốc độ cắt giảm thuế quan của ngành điện tử đang diễn ra rất nhanh thì các DN FDI lại được hưởng những ưu đãi không kém DN trong nước, thậm chí còn nhiều hơn. Với lợi thế về vốn, công nghệ, khách hàng, thị trường… lại còn có cơ chế ưu đãi đầu tư nên các DN FDI ngày càng lớn mạnh. "Đáng tiếc là chúng ta muốn có một ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam nhưng chưa chú ý sự phát triển của các DN nội địa trong ngành này. Vì vậy, chúng ta hầu như không đề cập vai trò của DN Việt Nam trong chuỗi giá trị, dẫn đến thực tế hỗ trợ cho DN điện tử trong nước rất kém" - ông Nguyễn Anh Dương nói.

Liên quan ngành chế biến thực phẩm lại là một câu chuyện khác: Việt Nam cắt giảm thuế quá nhanh so với thời điểm ký kết (trong hiệp định), làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ không có gì đột phá. Các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng rào kỹ thuật… chúng ta thực hiện chưa tốt để bảo hộ DN trong nước. Hàng Việt Nam xuất khẩu cần rất nhiều chứng chỉ liên quan, còn hàng hóa vào nước ta thì kiểm soát lỏng lẻo.

Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (thuộc VCCI) đặt câu hỏi có phải đang diễn ra thực tế hỗ trợ… ngược khi rất nhiều chính sách hỗ trợ "nghiêng" về… DN FDI. Về các chính sách trong ngành chế biến thực phẩm thì "đau lòng nhất là chúng ta có không gian chính sách nhưng lại tự cắt đi" - bà Trang nói.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) cũng cho biết, các chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho ngành gỗ hầu như không có gì. Đến nay, chỉ có chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công thương tổ chức hằng năm cho khoảng 12 DN xuất khẩu đi Hoa Kỳ triển lãm đồ gỗ nhưng năm nay đã bị cắt.

Cần sự tương tác giữa Nhà nước và DN nhiều hơn

Ngoài vấn đề chính sách, Việt Nam cũng chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng vệ thương mại khi hiện tại mới điều tra hai vụ phòng vệ thương mại và một vụ chống bán phá giá thuộc ngành thép. Bà Nguyễn Hằng Nga, Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài (Cục Quản lý cạnh tranh) thừa nhận: "Đây là con số quá nhỏ" nhưng cho rằng: "Có nhiều yếu tố khách quan…".

Theo nhiều đại biểu, rủi ro còn là nhiều yếu tố khác như không gian chính sách sẽ biến động thế nào, nhất là trong các đàm phán FTA. DN Việt Nam đang phải cạnh tranh với DN FDI, thiếu hỗ trợ từ cơ quan quản lý, thiếu thông tin về các FTA. Do vậy, DN cần có thông tin kịp thời.

Nhiều đại biểu yêu cầu tham vấn DN trước khi đàm phán các hiệp định. Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, từ năm 2012 Chính phủ đã ra nghị quyết thiết lập cơ chế tham vấn giữa cơ quan đàm phán và DN. Trên thực tế, đoàn đàm phán đã có lần cung cấp thông tin, nhưng thông tin đó quá chung chung để DN có thể dựa vào đó cho ý kiến. Tuy vậy, bà Trang cho rằng, các DN cũng thiếu sự chủ động trong việc tìm hiểu thông tin. Theo bà Trang, DN cần tự cập nhật thông tin để tìm hiểu về đàm phán các FTA để chủ động tận dụng các chính sách trong hội nhập.

Đặng Loan