Chủ trương lớn, hiệu quả cao

Xã hội - Ngày đăng : 05:54, 03/06/2015

(HNM) - Bảo đảm nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng không thấp; bảo đảm nhà thu nhập thấp đến đúng đối tượng thụ hưởng; bảo đảm công khai, minh bạch, hỗ trợ tốt nhất cho người thu nhập thấp vay ưu đãi mua nhà; loại khỏi

Đây là những vấn đề được đặt ra và giải đáp trong cuộc tọa đàm trực tuyến về "Phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp trên địa bàn TP Hà Nội" do Báo Hànộimới tổ chức, sáng 2-6. Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán chủ trì tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Viết Thành


Hà Nội dẫn đầu về phát triển nhà ở xã hội

Phát biểu đề dẫn, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán nhấn mạnh: Phát triển nhà ở xã hội nói chung, nhà dành cho người thu nhập thấp nói riêng là chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Xây dựng và TP Hà Nội. Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thành ủy, UBND thành phố, với sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, sự vào cuộc tích cực của các chủ đầu tư, Hà Nội luôn được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước trong phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp, với hàng nghìn căn hộ được đưa vào sử dụng, gồm cả loại hình nhà ở bán, cho thuê và thuê mua. Thành ủy, UBND TP Hà Nội luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Đối với những doanh nghiệp làm tốt, có nhiều dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, thành phố sẽ mời đầu tư, giao dự án mới. Để giải đáp trực tiếp các kiến nghị của nhân dân, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố, nội dung tọa đàm trực tuyến về nhà ở cho người thu nhập thấp do Báo Hànộimới thực hiện tập trung vào các nhóm vấn đề chính như: Đối tượng được mua nhà ở thu nhập thấp, việc kiểm soát đúng đối tượng được mua nhà; việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ ở các khu nhà ở thu nhập thấp; chính sách về giá bán nhà; cung - cầu nhà ở; định hướng phát triển và giải pháp sớm đưa dự án vào triển khai, bổ sung dự án mới để bảo đảm chỉ tiêu phát triển nhà ở…

Nhà ở dành cho người thu nhập thấp là vấn đề có ý nghĩa xã hội lớn, được đông đảo bạn đọc quan tâm. Chỉ trong thời gian ngắn, tọa đàm do Báo Hànộimới tổ chức đã nhận được hơn 100 câu hỏi gửi đến, trong đó có cả bạn đọc đang sống, học tập ở nước ngoài. Phần lớn câu hỏi xoay quanh việc làm thế nào để tiếp cận dự án nhà ở thu nhập thấp?; Làm thế nào để được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng?; Thành phố có giải pháp gì để có nhiều quỹ đất dành cho nhà ở xã hội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh như hiện nay? Có nhiều câu hỏi phản ánh, đề cập những vấn đề cụ thể như dự án này thiếu hạ tầng; thủ tục vay vốn mua nhà dự án kia phức tạp; hồ sơ xin mua nhà còn rườm rà… Tuy nhiên, qua việc giải đáp các câu hỏi, cuộc tọa đàm đã làm rõ kết quả phát triển nhà ở thu nhập thấp thành phố đã đạt được trong thời gian qua, đó là: 58 dự án phát triển nhà ở thu nhập thấp đã và đang triển khai, với khoảng 4,48 triệu mét vuông sàn xây dựng, tương đương 26.000 căn hộ. Trong số 31 dự án xin chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội tính chung cả nước, Hà Nội có 12 dự án, chiếm khoảng 40%; bổ sung cho quỹ nhà ở xã hội của thành phố khoảng 9.500 căn hộ, tương đương hơn 1 triệu mét vuông sàn.

Đặc biệt, Hà Nội đã hình thành những khu đô thị mới nhà ở xã hội, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội, có hệ thống công viên, khu vui chơi giải trí, với giá bán rất hợp lý (khoảng 9 triệu đồng/m2) như Đặng Xá (Gia Lâm), do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư. Hiện, dự án này đã có hơn 3.500 căn hộ được bàn giao, đón khoảng 10.000 người đến sinh sống. Dự án nhà ở EcoHome 2, Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm, do Công ty CP Thủ đô làm chủ đầu tư, ngoài các căn hộ để bán còn có thêm loại hình nhà ở cho thuê. Bên cạnh diện tích sinh hoạt cộng đồng, siêu thị, chủ đầu tư dành phần lớn diện tích đất làm vườn hoa, đường dạo, bể bơi… phục vụ cư dân khi về sinh sống, với tiêu chí nhà ở thu nhập thấp nhưng chất lượng không thấp.

Khu đô thị Đặng Xá (Hà Nội) được xây dựng bảo đảm các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật - xã hội.


Nhà dành cho người thu nhập thấp - Chất lượng không thấp

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của thành phố, nhưng thực tế có khu nhà ở xã hội chưa có đủ cơ sở hạ tầng nên người dân chưa thể sinh sống. Bên cạnh đó, giá nhà cho người thu nhập thấp cũng đang có nhiều bất cập nên có tình trạng người thu nhập thấp không đủ tiền mua. Nghịch lý nữa là một số khu đất dành cho phát triển nhà ở xã hội hiện để hoang, trong khi có doanh nghiệp thiếu đất phát triển dự án.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng thừa nhận, còn một số dự án đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chủ đầu tư chậm triển khai. Bên cạnh đó, việc thiếu quỹ đất, thủ tục chuẩn bị đầu tư rườm rà, hiện tượng cho thuê hay bán lại nhà ở xã hội đang là những tồn tại trong quá trình thực hiện chương trình. Theo Sở Xây dựng, Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, rà soát các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, hướng dẫn chủ đầu tư giải quyết vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án, bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch; đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ quá 24 tháng so với tiến độ được duyệt hoặc không đưa đất vào sử dụng sau 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao. Đối với dự án đang triển khai, thành phố sẽ kiểm tra đối tượng và việc xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua; thủ tục mua, thuê nhà; giá bán, giá cho thuê; tình hình sử dụng, quản lý, vận hành nhà xã hội. "Qua kiểm tra và qua phản ánh của người dân, thành phố đã phát hiện 2 trường hợp chuyển nhượng trái phép căn hộ nhà thu nhập thấp, 8 trường hợp hộ gia đình đăng ký mua 2 lần. Những trường hợp vi phạm này đều bị thu hồi căn hộ để bán cho đối tượng khác theo quy định" - ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói.

Theo ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội, hiện các quy định nêu rất rõ về đối tượng được thụ hưởng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng. Theo đó, ngoài đối tượng mua nhà dự án, sẽ xem xét hỗ trợ cả trường hợp đã có đất muốn làm nhà hoặc sửa chữa nhà hư hỏng. Mức lãi suất được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ấn định 5%/năm và có tới 19 ngân hàng thương mại cổ phần triển khai chương trình này. Giải đáp rõ thêm, bà Nguyễn Thu Thủy, Trưởng phòng Phát triển sản phẩm tín dụng bán lẻ (VietinBank) cho biết, các ngân hàng thương mại luôn chủ động phối hợp với chủ đầu tư và các ngành chức năng, công khai, minh bạch gói tín dụng này. Đến nay, VietinBank đã phục vụ 3.700 khách hàng, chiếm gần 50% số khách hàng tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tại Hà Nội.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tử Quang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, một trong những chủ đầu tư có nhiều dự án nhà ở thu nhập thấp, quy định đối tượng được thụ hưởng gói 30.000 tỷ đồng là người thu nhập thấp, dưới 9 triệu đồng/tháng, trong khi ngân hàng thẩm định cho rằng với mức thu nhập này, phương án trả nợ khó khả thi; hoặc nếu chấp nhận cho vay thì hạn mức vay rất thấp, chỉ khoảng 400 triệu đồng. Trong khi đó, giá căn hộ phải từ 700 triệu đồng trở lên.

Đánh giá cao sự năng động của Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, nội dung cuộc tọa đàm hết sức thiết thực, hiệu quả, là cơ hội để các sở, ngành tiếp nhận thông tin, giải đáp thắc mắc của người dân. Trong vòng 3 giờ, hơn 200 câu hỏi được gửi đến tọa đàm cho thấy phát triển nhà ở xã hội là vấn đề "nóng", được nhiều người quan tâm. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư quan tâm sát sao chất lượng nhà thu nhập thấp. Theo đó, phải hiểu "thấp" là Nhà nước ưu đãi về giá đất, vốn vay để hạ giá bán chứ không phải thấp về chất lượng. Thành phố thường xuyên họp, đôn đốc tiến độ dự án, đồng thời cũng công khai, minh bạch tiêu chí, quy định và những trường hợp không bảo đảm tiến độ, chất lượng sẽ bị loại khỏi chương trình. Đối với các câu hỏi chưa được giải đáp, Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành trả lời trên Báo Hànộimới trong thời gian tới.

Y Linh