Lúng túng triển khai quản trị công

Chính trị - Ngày đăng : 16:17, 02/06/2015

(HNMO) - Trao đổi với phóng viên Hà nội mới bên lề Quốc hội (QH), Uỷ viên thường trực Uỷ ban Khoa học công nghệ môi trường của QH (QH) Trần Thị Quốc Khánh khẳng định, việc xây dựng luật hiện nay đang trong tình trạng “sinh con rồi mới sinh cha”.

-Bà đánh giá gì trước việc lần đầu tiên trong 13 khóa Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã có cơ chế khích lệ các vị đại biểu quốc hội (ĐBQH) mạnh dạn trình các sáng kiến luật?

-Điều đó thể hiện rõ rệt tính dân chủ ngày càng được tăng cường ngay trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tôi vừa đề nghị đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí ủy viên Ủy ban thường vụ QH, Hội đồng dân tộc… ủng hộ, bổ sung dự án Luật hành chính công vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 trên cơ sở hỗ trợ tích cực của Viện nghiên cứu lập pháp, Văn phòng QH, đại biểu (ĐB) QH.

- Cơ sở cho đề xuất này có phải do công tác quản trị công chưa tốt, thưa bà?

-Xung quanh vấn đề này đang có quá nhiều bất cập đặt ra. Thực tế rõ ràng nhất là QH ta đang xem xét thông qua Luật tổ chức Chính phủ, Luật chính quyền địa phương, nhưng việc phân cấp, phân quyền dựa trên những nguyên tắc nào, mô hình tổ chức chính quyền cơ sở hay mô hình dịch vụ công của các cấp chính quyền cần được tổ chức như thế nào? Hay như việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước làm sao để đảm bảo tránh được thất thoát tài chính công và tài sản công vẫn đang là những vấn đề còn rất lúng túng ở các cấp.

- Với lĩnh vực môi trường, thủ tục hành chính, trên cơ sở giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Uỷ ban Khoa học công nghệ môi trường của QH, bà cho rằng công tác quản trị công có bất cập gì không?

- Trong lĩnh vực môi trường, có nhiều nổi cộm, vướng mắc trong quản lý liên ngành, liên vùng, quản lý tổng hợp. Có tình trạng cùng một dòng sông nơi thì cho đổ đất lấn sông, nơi thì hút cát đến lở bờ sông khiến người dân kêu cứu.

Thực tế cũng cho thấy, từ trước đến nay khoa học về tổ chức về quản lý chưa được quan tâm đúng mức. Thế nên mới có tình trạng nhiều thủ tục hành chính vẫn rườm rà làm khổ người dân và doanh nghiệp; nền hành chính công vụ nhiều khó khăn vướng mắc, trên bảo dưới không nghe, có hiện tượng "sinh con rồi mới sinh cha" trong xây dựng luật. điển hình là: khi QH xem xét thông qua Luật cán bộ công chức, Luật viên chức, Luật thanh tra rồi nhưng vấn đề thanh tra công vụ vẫn chưa được quy định ở đâu; xây dựng các luật có quy định về tài chính công, tài sản công nhưng lại thiếu một đạo luật quy định về hành chính công, quản trị công. Để tháo gỡ những vướng mắc trên đây thì mấu chốt là hoạt động lập pháp của chúng ta cần phải quan tâm đến vấn đề khoa học về tổ chức, về quản lý và quản trị công hay gọi là hành chính công để xây dựng nền hành chính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân

-Qua tiếp xúc cử tri, người dân thủ đô có mong muốn xây dựng Luật hành chính công không? Liên quan đến vấn đề này, các bộ ngành của Chính phủ có đề xuất gì chưa, thưa bà?

- Đây không phải là đề xuất của các nhà quản lý, của các bộ ngành của Chính phủ nhưng là đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân, đề xuất của người ĐBQH cho nhân dân. Qua trao đổi, nhiều nhà khoa học chuyên gia về Luật hành chính cũng cho rằng tất cả chúng ta đều không ai được đào tạo quản lý hành chính, toàn dựa vào kinh nghiệm để quản lý, không có một đạo luật nào quy định nên mỗi người quản lý một kiểu. Chúng ta không có căn cứ nào để tổ chức bộ máy sao cho gọn nhẹ, hiệu quả mà cứ phát sinh bổ nhiệm, bổ sung rồi phình to bộ máy. Bất cập này bắt nguồn từ việc chúng ta thông qua nhiều luật để điều chỉnh những lĩnh vực nhưng lại thiếu một đạo luật quy định những nguyên tắc chung căn bản, cốt lõi nhất của nền hành chính. Nên nhiều quy định của các luật còn mâu thuẫn, chồng chéo nhau, khiến cho người quản lý lúng túng, người dân không biết chấp hành quy định nào.

Hà Phong