Nên quy định cụ thể tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách

Chính trị - Ngày đăng : 16:24, 01/06/2015

(HNMO) - Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương.


Đa số ý kiến đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và tán thành với các quy định của dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh, đơn vị hành chính và chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.

Về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, các đại biểu thống nhất đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, cấp nào cũng đều có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nhưng có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo…

“Tôi ủng hộ luật quy định theo hướng trên nhưng việc phân quyền, phân cấp trong luật vẫn chưa rõ về nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, dẫn tới lẫn lộn giữa phân cấp và phân quyền, cấp trên dồn việc cho cấp dưới, khó xác định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành”, đại biểu Hồ Thị Thủy – Vĩnh Phúc nói.

Theo đại biểu Thủy, hiện nay, quyền hạn của chính quyền địa phương đang được quy định trong nhiều luật nhưng lại rất khó xác định nội hàm phân cấp, phân quyền. Dự luật Chính quyền địa phương cần xác định rõ để tạo điều kiện cho chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng được giao, đồng thời đảm bảo sự giám sát của cấp trên với cấp dưới, tránh chồng chéo, bỏ sót.

Về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân, nhiều đại biểu tán thành với quy định cụ thể về số lượng và cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc tăng thêm số lượng thành viên Ủy ban nhân dân sẽ dẫn đến nguy cơ tạo ra cơ cấu Ủy ban nhân dân cồng kềnh, không phù hợp với yêu cầu xây dựng một bộ máy hành chính gọn nhẹ, linh hoạt.



Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, các đại biểu tán thành việc quy định số lượng và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân trong Luật tổ chức chính quyền địa phương tương tự như Luật tổ chức Quốc hội nhưng đề nghị tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở một số cấp hành chính.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thụy – Bình Định, việc tăng cán bộ chuyên trách là cần thiết, góp phần cho HĐND hoạt động thực chất hơn.

“Hiện số lượng thành viên HĐND trong Ban chấp hành ở cấp ủy các địa phương rất hạn chế, nhiều địa phương chỉ dám cơ cấu 1 phó thường trực HĐND vào cấp ủy. Tôi kiến nghị nên tăng lên 2 cán bộ HĐND tham gia cấp ủy. Nếu chúng ta bố trí cán bộ HĐND trong cấp ủy thiếu tương xứng với vị trí chính trị của HĐND thì HĐND sẽ rất khó phát huy đầy đủ vai trò là cơ quan đại diện quyền lực nhà nước ở địa phương”, đại biểu Thụy nói.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa – Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, HĐND hoạt động chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức là do số lượng đại biểu kiêm nhiệm quá nhiều. Theo ông, cần quy định trong luật tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách là 30% với cấp tỉnh, 20% với cấp huyện và 15% với cấp xã.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp – Cần Thơ kiến nghị, nên căn cứ vào dân số và số lượng đại biểu HĐND để quyết định số lượng đại biểu chuyên trách, ở cấp tỉnh phải có ít nhất 25% đại biểu chuyên trách, cấp huyện ít nhất có 20%. Đồng thời, các trưởng ban HĐND phải là ủy viên HĐND, mỗi ban có trưởng ban và 2 phó ban hoạt động chuyên trách.

Chung mối quan tâm, đại biểu Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng cho rằng, việc HĐND ở một số nơi hoạt động còn hình thức không phải do đại biểu, mà là do HĐND chưa được trao đủ những công cụ sắc bén, đủ mạnh để thực hiện chức năng của mình. Theo đại biểu, Luật cần có quy định về các nghị quyết của HĐND, nghị quyết giám sát của HĐND là bắt buộc thực hiện, xác định rõ cơ chế chịu trách nhiệm trong thực hiện nghị quyết HĐND.

Các đại biểu cũng đề nghị, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban và ít nhất 1 phó ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phải là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Ở cấp xã, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Về Thường trực Hội đồng nhân dân, các đại biểu tán thành quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; cấp xã có 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Đồng thời, rà soát lại dự thảo Luật để quy định rõ vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân. Theo đó, Thường trực Hội đồng nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân và của các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân.

Cũng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Thường trực HĐND, đại biểu Trần Minh Diệu – Quảng Bình đề nghị, nên giao thêm cho Thường trực HĐND quyền được cho từ chức hay bãi nhiệm các chức danh do HĐND bầu trong thời gian giữa 2 kỳ họp với những trường hợp mang tính thủ tục đương nhiên. Ngoài ra, HĐND cũng được quyền phối hợp với UBND giải quyết những vấn đề có tính cấp thiết của địa phương trong thời gian giữa hai kỳ họp nếu việc trì hoãn, đợi đến kỳ họp mới có thể gây bất lợi, ảnh ưởng đến sự phát triển KTXH của địa phương. Tuy nhiên, Thường trực phải ban hành quyết định này dưới hình thức nghị quyết của Thường trực HĐND.

Vân An