Nên bỏ quy định "mềm" về số lượng cấp phó
Chính trị - Ngày đăng : 11:34, 01/06/2015
Nhận xét chung về dự thảo luật, các đại biểu đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tán thành với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật.
Về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, qua thảo luận, vấn đề này vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành không quy định trong Luật số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ. Các đại biểu ủng hộ quan điểm này cho rằng, nên để Quốc hội quyết đầu nhiệm kỳ, trên cơ sở tờ trình của Thủ tướng, như vậy sẽ tạo ra sự linh hoạt hơn về tổ chức.
Theo đại biểu Huỳnh Thành – Gia Lai, việc không ghi rõ số lượng, cơ quan ngang bộ trong dự thảo sẽ giúp việc xây dựng một chính phủ năng động, có thể ứng biến tùy theo yêu cầu của từng thời kỳ. Nếu luật quy định cứng thì sẽ khó khả thi và không đảm bảo tính ổn định của luật.
Đại biểu Thành cũng lưu ý, dự luật cũng nên bổ sung quy định, ngoài thủ tướng, đa số thành viên Chính phủ không là thành viên Quốc hội vì Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, các thành viên Chính phủ là những người bị giám sát nên không thể đồng thời là người giám sát.
Một số đại biểu khác lại đề nghị quy định cụ thể vấn đề này ngay trong Luật vì cho rằng hiện nay các lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công cho các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách đều đã được xác định rõ và cơ bản hợp lý. Việc quy định rõ số lượng, tên gọi của các cơ quan này trong Luật sẽ bảo đảm tính ổn định cho cơ cấu của Chính phủ.
Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Hà Nội, nếu Luật không quy định rõ số lượng từng vị trí, chức danh, số lượng ngành, cơ quan ngang bộ thì vô hình chung đã khoán trắng việc này cho Chính phủ. Thực tế, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải cách bộ máy hành chính, nhưng thời gian qua, bộ máy hành chính vẫn cứ “phình” ra, ở đây có trách nhiệm của Quốc hội trong việc không luật hóa quy định này..
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, các đại biểu đề nghị quy định rõ hơn, đầy đủ hơn nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như bổ sung một số nguyên tắc như: nguyên tắc về tổ chức, nguyên tắc hoạt động của Chính phủ, của các bộ, cơ quan ngang bộ; nguyên tắc phân quyền; nguyên tắc cấp dưới phải phục tùng cấp trên, cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan cấp trên; nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới...
Các đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ về sự phân cấp giữa Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương. Đặc biệt, các đại biểu đề nghị làm rõ hơn quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ. Theo các đại biểu, dự luật quy định quyền hạn của thủ tướng rất lớn nhưng quy định về trách nhiệm lại quá mờ nhạt.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng cho rằng, dự luật phải thiết kế nhiệm vụ, quyền hạn của thủ tướng rất rõ, bởi nếu không minh bạch thì không thể quy trách nhiệm cho thủ tướng được.
“Theo tôi, trách nhiệm của thủ tướng phải là: đấu tranh ngăn chặn lãng phí, tham nhũng; trực tiếp trả lời chất vấn của cử tri trước Quốc hội; chịu trách nhiệm về hoạt động của Chính phủ”, đại biểu Thuyền nói.
“Trách nhiệm của thủ tướng, chính phủ chưa tương xứng với quyền hạn được giao. Trong trường hợp xảy ra những vụ việc như Vinashin thì chúng ta rút kinh nghiệm, quy định trong luật này như thế nào?”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên – Sóc Trăng nêu vấn đề.
Đại biểu Bùi Thị An – Hà Nội nhận xét, nếu luật quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu thì sẽ giúp chọn được các cán bộ tài để đưa vào bộ máy. Đồng thời, nên có cơ chế khoán tất cả các chế độ của các vị trí lãnh đạo vào lương, trừ một số vị trí cấp cao, như vậy sẽ tạo không khí thi đua lành mạnh trong cá cơ quan nhà nước.
Theo đại biểu Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh, dự thảo Luật chính quyền địa phương đã bắt đầu tiếp cận được 3 vấn đề trong quản lý hành chính: phân quyền, phân cấp, ủy quyềnn hưng trong luật tổ chức Chính phủ lại chưa đề cập được các nội dung này.
“Chúng ta quy định quản lý Chính phủ theo ngành, lĩnh vực thì các lĩnh vực, ngành nào được phân quyền, ủy quyền? Luật cần làm rõ, có vậy mới giải qyết được tồn tại lâu năm là phân biệt rõ trách nhiệm, chức năng giữa Chính phủ và chính quyền địa phương, tránh chồng chéo”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Về quy định số lượng cấp phó tại các bộ, cơ quan ngang bộ, các đại biểu Bùi Thị An – Hà Nội, Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng tán thành với quy định về số lượng cấp phó như trong dự luật nhưng đề nghị, dự luật không quy định thêm về các trường hợp ngoại lệ.
“Luật càng cụ thể càng tốt, càng khả thi, nếu chung chung, còn quy định mềm thì sẽ sinh ra rất nhiều chuyện. Tôi đề nghị, tới đây, cơ quan nào trình bổ sung thêm cấp phó ngoài quy định của luật thì được coi như là hành động vi luật và cần bị xem xét xử lý trách nhiệm”, đại biểu Bùi Thị An nói.
“Tôi nhất trí các bộ có không quá 5 cấp phó; các bộ công an, quốc phòng, ngoại giao có không quá 6 cấp phó. Nhưng luật không nên giao Thường vụ Quốc hội được quyết bổ sung thêm cấp phó trong trường hợp cần thiết, như vậy là đặt quyền của Uỷ ban Thường vụ cao hơn Quốc hội’, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.
Đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ - Bến Tre đề nghị thêm, ngoài một số bộ như quốc phòng, ngoại giao, công an có nhiều nhiệm vụ trong, ngoài phức tạp, các bộ còn lại không nhất thiết cứ phải có 5 thứ trưởng, những bộ ổn định thì nên giảm số thứ trưởng xuống còn 3.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương.