Rộng cửa cho hàng xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 10:07, 01/06/2015

(HNM) - Chính thức khởi động tại Hà Nội vào tháng 3-2013, sau hơn 2 năm đàm phán và hoàn tất các thủ tục, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu vừa được ký kết, mở ra cơ hội lớn cho các bên liên quan.

Theo đó, 90% dòng thuế và 90% kim ngạch xuất nhập khẩu của các bên sẽ được mở cửa và tự do hóa. Ước tính, sau khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên sẽ tăng từ 4 tỷ USD (năm 2014) lên mức 10-12 tỷ USD vào năm 2020.

Hàng dệt may của Việt Nam có nhiều cơ hội vào thị trường của Liên minh Kinh tế Á - Âu.Ảnh: Nhật Nam



Thị trường rộng mở

Việc Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) và Ủy ban Kinh tế Á - Âu vừa cùng ký FTA là một thông tin kinh tế đặc biệt quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam những ngày qua. Ngay sau lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, hiệp định sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực.

Theo các chuyên gia, với hiệp định vừa ký kết, các thành viên tham gia sẽ được hưởng lợi khi đầu tư, kinh doanh với Việt Nam vì họ sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Canada, Australia… vốn đang là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Về hàng hóa, Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) sẽ dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Nông sản, hàng công nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến.

Một nội dung quan trọng của hiệp định được cộng đồng DN Việt Nam đặc biệt lưu tâm là phía Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Việt Nam cũng đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Các mặt hàng này nhìn chung không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước. Xét về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa với khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm. Còn với những nội dung về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phát triển bền vững... của Hiệp định này chủ yếu mang tính hợp tác và không vượt quá những cam kết của Việt Nam trong WTO và tại các FTA ta đã ký hoặc đang đàm phán.

... nhưng không dễ tính

Với dân số hơn 175 triệu người, có tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD, Liên minh Kinh tế Á - Âu (tiền thân là Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan) tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng có vai trò kinh tế khá quan trọng. Theo các chuyên gia tài chính, việc thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết FTA nói chung, trong đó có hiệp định vừa ký kết, sẽ có tác động giảm chi phí đầu vào cho DN, góp phần tạo ra những tác động tích cực tới toàn bộ nền kinh tế nước ta.

Ngay khi hiệp định có hiệu lực, việc Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan xóa bỏ thuế ngay đối với nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn của Việt Nam như: Dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản, hàng điện tử… sẽ tạo điều kiện cho DN nước ta mở rộng và gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Đặc biệt, hàng hóa của liên minh sẽ cạnh tranh với hàng hóa của các đối tác khác, tạo điều kiện cho DN và người dân Việt Nam có thêm lựa chọn.

Tuy nhiên theo đánh giá, Liên minh Kinh tế Á - Âu không phải là một thị trường dễ tính. Bởi với nhiều nước thành viên của liên minh, đặc biệt là Nga, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, nhất là những hàng hóa liên quan đến sức khỏe của con người tương đương Mỹ, Nhật Bản, Australia…Vì vậy, cộng đồng DN Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề bảo đảm chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là với hàng nông sản. Ngoài ra, khoảng cách khá xa về địa lý cũng là một rào cản mà nếu DN không có biện pháp phù hợp thì chi phí về vận tải sẽ làm tăng giá sản phẩm, gây bất lợi cho hàng hóa của Việt Nam. Thêm vào đó, hệ thống ngân hàng của các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu đang trong quá trình phát triển nhưng so với ngân hàng của nhiều nước tiên tiến trên thế giới thì có chênh lệch. Vì vậy, khi đàm phán ký kết hợp đồng và đặc biệt về điều khoản thanh toán, các DN cần thảo luận kỹ với đối tác để không bị vướng bởi các điều khoản thanh toán.

Một vấn đề cần lưu ý là hiện nay, hiểu biết của không ít DN Việt Nam đối với những nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu như Armenia, Kyrgyzstan không nhiều. Vì vậy, bên cạnh việc xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội đầu tư thì việc nắm thông tin, khảo sát thị trường và tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng ở những nước đó đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện thành công những thương vụ hợp tác thương mại.

Hương Ly