Sân chơi trẻ em, nỗi lo người lớn
Giới trẻ - Ngày đăng : 09:27, 01/06/2015
Vấn đề càng trở nên bức thiết hơn khi ngày càng nhiều trẻ em chọn trò chơi điện tử trực tuyến có yếu tố bạo lực để giải trí thay vì tham gia các hoạt động vui chơi nhằm nâng cao thể lực và trí tuệ. Làm thế nào để có những khu vui chơi giải trí thực sự cuốn hút, bổ ích và an toàn dành cho trẻ em - thế hệ mầm non tương lai của đất nước đang là bài toán đặt ra hiện nay.
Đủ kiểu chiếm dụng chỗ chơi của trẻ
Hà Nội đang phát triển đến chóng mặt với những khu chung cư cao cấp, khách sạn, nhà hàng… thậm chí khu vui chơi giải trí chất lượng cao, resort mọc lên như nấm. Thế nhưng vườn hoa, công viên chưa được quan tâm đúng mức trong khi sân chơi cho trẻ em thì èo uột, luôn ở mức thiếu trầm trọng.
Anh Nguyễn Mạnh Dũng - cán bộ truyền thông Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: "Số điểm vui chơi dành cho trẻ em quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là mấy nơi như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ, Công viên Cầu Giấy... trong khi phần lớn những không gian ấy bị sử dụng sai mục đích. Do thiếu những sân chơi bổ ích cho trẻ theo đúng nghĩa nên bất kỳ chỗ trống nào ở vỉa hè, đường phố, sân trường... cũng có thể trở thành chỗ vui chơi tạm bợ cho trẻ dù những nơi này tiềm ẩn yếu tố mất an toàn cao".
Nhóm phóng viên đã thực hiện khảo sát một số khu vực tại Hà Nội để thấy được hiện trạng sân chơi trẻ em. Theo đó, khu vực Trung tâm thương mại Chợ Mơ (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng), tòa nhà này bao gồm cả trung tâm thương mại, nhà ở, văn phòng, xung quanh chỉ có một khuôn viên rất nhỏ, lại ngay cạnh mặt phố luôn tấp nập người và xe, vậy nhưng tối nào tại đây cũng đông kín người lớn và trẻ em đến vui chơi, tập thể dục. Nhiều trẻ còn chơi ở cả lòng đường phố Bạch Mai... Trong khi đó, khoảng sân rộng 1.000m2 nằm giữa hai dãy nhà tập thể E3 và E10 Phương Mai (Đống Đa) vốn được quy định rõ ràng chỉ để làm sân chơi cho trẻ, khu tập thể dục cho người già nay đã bị biến thành chợ tạm. Ban ngày, nếu không nhìn thấy biển đây là khu vực sân chơi cho trẻ và người già thì không thể nhận ra đó là sân chơi chung bởi hầu hết diện tích trống đã bị chiếm dụng làm nơi bán hàng. Lòng đường vốn đã hẹp lại bị các sạp hàng hóa, thực phẩm chiếm dụng càng trở nên chật chội. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra ở khu tập thể Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng). Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lan ở khu tập thể Quỳnh Mai cho biết: "Ngày xưa giữa hai tòa nhà có cái sân rộng lắm, trẻ con đá bóng, đi xe đạp thoải mái, người già có chỗ tập thể dục, cứ chiều chiều là khoảng sân rộn ràng hết cả lên. Giờ thì chỗ này thành bãi trông xe rồi, chả ai dám cho trẻ xuống đây đá bóng, đạp xe nữa. Chúng tôi đấu tranh mãi thì buổi sáng họ mới dành cho một khoảng để tập thể dục, còn các cháu không biết đấu tranh nên… đành chịu, không có chỗ nào mà chơi".
Ở khu vực nhà tập thể xây dựng cách đây lâu năm đã vậy nhưng tình cảnh ở các khu chung cư mới xây cũng không khá hơn là bao. Bởi theo phản ánh của người dân tại Khu đô thị Nam Đô (Trương Định), sân chơi cho trẻ em nằm trên bể phốt, khi trời mưa xuống bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến không phụ huynh nào dám cho trẻ đến chơi. Dù được kiến nghị nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn khắc phục hết sức sơ sài, tình hình không chuyển biến nên họ phải tự thuê phòng mở các phòng chơi, lớp học năng khiếu bên trong tòa nhà. Chị Hồng sinh sống tại một khu tập thể ở tổ 11A, Định Công, Hoàng Mai cho biết, hai đứa con của chị cứ đi học về là phải ở trong nhà, vì khu nhà chị ở có chỗ chơi duy nhất cho trẻ là khu hành lang và cầu thang. "Khu tập thể có một khoảng sân nhỏ nhưng lúc nào cũng chật kín xe ra vào. Nhiều khi con trai muốn đá bóng hay đánh cầu lông, nhưng không có chỗ nên toàn đá loanh quanh ở hành lang, rất nguy hiểm và bóng hay bay vào cửa, đồ đạc của các gia đình khác nên họ không hài lòng và tôi cũng buộc phải cấm con đá bóng trong khu tập thể" - chị Hồng nói. Trong khi đó, dù được đánh giá là khu vực tương đối phát triển, nhưng Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính hay Khu đô thị Nam Trung Yên tìm mỏi mắt cũng không thấy có khoảng không gian nào được đặt thiết bị chơi cho trẻ con mà chỉ thấy dày đặc những ô tô, xe máy và hàng quán ở bất kỳ chỗ trống nào.
Nhiều ý kiến cho rằng, thiếu sân chơi là vấn đề đáng báo động. Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo "Vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư ở Hà Nội" do Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam tổ chức ngày 6-5 vừa qua: Nội thành Hà Nội có 21 công viên và 32 vườn hoa với diện tích 320ha, chiếm 1,9% diện tích đất tự nhiên, tương đương mỗi người dân chỉ có 2,08m2 vườn hoa, sân chơi. Tỷ lệ đất vườn hoa, sân chơi ở quận Hai Bà Trưng cao nhất cũng chỉ chiếm 12,83% diện tích đất tự nhiên, trong khi ở quận Thanh Xuân tỷ lệ này là 0%.
Bà Ninh Thị Hồng - Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Thiếu sân chơi một phần thể hiện sự nghèo nàn về văn hóa, mặt khác cho thấy chất lượng cuộc sống thấp. Việc tổ chức không gian vui chơi trong không gian công cộng nằm ngay trong khu dân cư là cần thiết, bởi trẻ em phải được tiếp cận sân chơi mỗi ngày vài giờ chứ không phải đợi cuối tuần mới có cơ hội được chơi vận động ngoài trời ở các công viên lớn. Một trong những hệ lụy khó lường từ việc không có sân chơi, thiếu những hoạt động phù hợp cho lứa tuổi của mình là các em nhỏ ở ngoại thành chỉ biết tìm niềm vui bằng cách tự do bơi lội ở sông, suối. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ đuối nước gia tăng mỗi dịp hè về. |
Khi Hà Nội vắng bóng trẻ em
Một thực tế nữa đáng buồn là vào mùa hè, mùa mà các điểm vui chơi cần phát huy hiệu quả thì một số nơi lại không có người chơi, rơi vào cảnh hoang tàn. Bên cạnh tình trạng xuống cấp, hư hỏng, không an toàn cho trẻ em, nhiều điểm vui chơi hiện nay cũng đã bị chuyển đổi mục đích, mất đi ý nghĩa ban đầu.
Trước đây, Công viên Thống Nhất và Vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội) từng là địa chỉ hấp dẫn của thiếu nhi, không chỉ thu hút các em nhỏ của Hà Nội mà vào mỗi dịp lễ tết còn đón tiếp rất nhiều trẻ em ở khắp các địa phương khác về tham quan, vui chơi. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, các loài thú quý hiếm "trưng bày" ở Vườn thú Thủ Lệ không được bổ sung, thậm chí ngày một ít đi, các đồ chơi ở đây thường mang tính "nồi đồng cối đá", cốt sao bảo đảm khó hỏng hóc chứ chưa chú trọng tới việc trẻ em có thích hay không. Trong khi đó tràn ngập trong vườn thú là các trò chơi thu tiền, các hàng quán ăn uống mọc lên la liệt. Có thể kể thêm, Cung Thiếu nhi Hà Nội từng được ví như "giấc mơ có thật" của thiếu nhi Thủ đô nhưng nay đã quá chật chội, không đáp ứng đủ nhu cầu cho con trẻ.
Một bất cập khác, số lượng trò chơi tại các khu vui chơi còn ít nên thường xuyên xảy ra tình trạng phụ huynh đưa con đến muốn sử dụng các trò chơi đều phải chen lấn, xô đẩy để mua vé vào chơi. Cũng vì địa điểm vui chơi hiếm hoi như vậy nên thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải vào ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ. Theo quan sát của phóng viên, Công viên Cầu Giấy dù mới mở cửa hơn một năm nay nhưng đã nhanh chóng trở thành địa chỉ vui chơi của nhiều gia đình có con nhỏ, do nơi đây hội tụ đủ các yếu tố sạch, đẹp, thoáng mát cùng với nhiều trò chơi cho trẻ nhỏ… Tuy nhiên, gần đây, công viên này cũng bắt đầu có biểu hiện quá tải do lượng người đến chơi ngày một đông. Chị Đoàn Thị Hà (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho biết: "Mỗi khi rảnh rỗi tôi muốn đưa con tới các khu vui chơi để cho các cháu được thoải mái thế nhưng gần đây ồn ào, lộn xộn, thậm chí có những người lớn còn tranh giành chỗ chơi, đồ chơi với trẻ em".
Theo các chuyên gia ngành quy hoạch, kiến trúc, việc thiếu hụt nghiêm trọng không gian công cộng đang khiến cho chất lượng sống của người dân đô thị ngày một giảm sút. Sự cố chen lấn, trèo tường xảy ra tại Công viên nước Hồ Tây vừa qua khi vé vào cửa được phát miễn phí là một ví dụ. Do thiếu tụ điểm vui chơi giải trí an toàn, lành mạnh đã khiến nhiều thanh thiếu niên tìm đến các quán trò chơi điện tử, tụ tập đua xe hoặc lao vào những tệ nạn xã hội…
(Còn nữa)