Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 tại Singapore: Quan ngại về an ninh trên biển Đông
Thế giới - Ngày đăng : 09:22, 01/06/2015
Hành động xây dựng đảo nhân tạo, bồi lấp các bãi đá, rạn san hô trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông… đã trở thành chủ đề được thảo luận thẳng thắn tại diễn đàn an ninh khu vực, nơi các quốc gia tham dự bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những diễn biến bất ổn tại vùng biển này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu thể hiện quan điểm rõ ràng của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. |
Diễn ra từ ngày 29 đến 31-5, Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 có sự góp mặt của các quan chức quốc phòng cấp cao đến từ 26 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương cùng nhiều học giả hàng đầu trong khu vực. Dù không đề cập trực tiếp tới những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua, nhưng bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long đã chỉ ra vai trò của các cường quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh của khu vực là hết sức cần thiết. Thừa nhận thực tế sự cạnh tranh giữa các cường quốc là điều không thể tránh khỏi, song Thủ tướng Lý Hiển Long cũng lưu ý Châu Á - Thái Bình Dương sẽ không phải là nơi "kẻ mạnh luôn đúng và có thể làm bất kì điều gì họ muốn" mà phải là "một thế giới nơi luật pháp và sự can dự mang tính xây dựng sẽ là nguyên tắc quốc tế".
Cảnh báo Châu Á sẽ chịu tổn thất nếu các hành động tranh giành chủ quyền ở Biển Đông biến thành các phản ứng mang tính đe dọa, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải với tuyến đường vận tải biển quan trọng đi qua Biển Đông; đồng thời cảnh báo căng thẳng tiếp diễn trên biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ dẫn đến hệ quả xấu. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn và không để tranh chấp làm hỏng mối quan hệ lớn hơn, nhiều ý kiến phát biểu tại diễn đàn đã kêu gọi Trung Quốc và ASEAN thúc đẩy ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sớm nhất có thể. Trước mắt các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), nhưng trong dài hạn trật tự khu vực ổn định không thể được duy trì chỉ bởi một siêu cường duy nhất, mà đòi hỏi phải được cộng đồng quốc tế nhất trí và công nhận.
Tham dự Đối thoại Shangri-La với tư cách là quốc gia có lợi ích, chủ quyền liên quan trên Biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã lắng nghe có trách nhiệm tiếng nói của các quốc gia liên quan về nhiều vấn đề, trong đó có Biển Đông. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, Biển Đông thực sự đã trở thành vấn đề lớn của khu vực. Vì thế, nhiều ý kiến phát biểu tại diễn đàn đã đưa ra giải pháp theo xu hướng chung là tìm ra những cách thức ứng xử, nhằm bảo đảm không có tính toán sai lầm, không có hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt không để xảy ra xung đột. Xu hướng chung của thế giới và khu vực giống như quan điểm cơ bản của Việt Nam. Đó là giải quyết mọi tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Là diễn đàn thường niên do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) tổ chức từ năm 2002 đến nay, Đối thoại Shangri-La đã trở thành diễn đàn thảo luận những vấn đề liên quan tới an ninh khu vực. Dù không phải là nơi có thể giải quyết thỏa đáng các vấn đề nghiêm trọng mà khu vực phải đối mặt, song những quan điểm, sáng kiến an ninh đưa ra tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 đã gửi đi các thông điệp thể hiện rõ ràng lập trường của các quốc gia tham dự trong từng vấn đề cụ thể, đặc biệt trong bất ổn ở Biển Đông. Điều đó cũng cho thấy rằng, hòa bình và ổn định ở Biển Đông không chỉ là lợi ích của một quốc gia riêng rẽ mà là của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Là thành viên của cộng đồng quốc tế, tất cả các nước đều chia sẻ trách nhiệm trong việc đóng góp vào việc gìn giữ, xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, tự do và thịnh vượng.
Đối thoại để xây dựng lòng tin và sự minh bạch Ngày 31-5, trong ngày thảo luận cuối cùng về "Các thách thức an ninh toàn cầu và Châu Á - Thái Bình Dương", Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 tại Singapore đã kết thúc với thông điệp đối thoại để xây dựng lòng tin và sự minh bạch. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng, việc Đức lần đầu tiên tham dự đối thoại là cơ hội tốt để chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe và học hỏi. Theo bà U.Leyen, tuy thách thức an ninh ở Châu Âu và Châu Á là khác nhau nhưng có điểm chung là đều phải đối mặt với thách thức khủng bố toàn cầu và tranh chấp lãnh thổ. Cũng trong phiên thảo luận này, giới học giả và các chuyên gia đều dành sự quan tâm đặc biệt tới bài phát biểu của Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc. Ông Tôn Kiến Quốc cho rằng, tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc là "cách duy nhất để phát triển hòa bình" và "hợp tác cùng thắng phải là mục đích cuối cùng hướng tới hòa bình, ổn định an ninh". Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen một lần nữa kêu gọi các bên kiềm chế, không gia tăng những hành động gây căng thẳng cả trên biển và trên không. |