Chào cờ, hát Quốc ca phải trở thành một nét đẹp văn hóa
Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 01/06/2015
"Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...".
Âm hưởng hùng tráng, vang rền của bài Quốc ca đã mở ra một ngày đầu tuần tràn đầy xung lực, khí thế mới.
Từ đầu giờ sáng hôm nay, khắp các trường học phổ thông và nhiều cơ quan, công sở trên địa bàn thành phố đã nghiêm túc triển khai thực hiện Công văn số 2240-CV/BTGTU của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện nghi thức chào cờ, hát Quốc ca trong sinh hoạt tập thể. Và ngày 1-6-2015 này chắc chắn sẽ đi vào lịch sử phát triển của Thủ đô như một dấu mốc đáng nhớ. Từ đây, nghi thức chào cờ, hát Quốc ca đầu tuần (hát thực sự chứ không phải sử dụng băng ghi âm) trở thành sinh hoạt thường xuyên, nghiêm túc, đi vào nền nếp và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người dân Hà Nội.
Là người Việt Nam chân chính và yêu nước, chắc chắn trong tim mỗi người Việt Nam sẽ in đậm hình ảnh lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình, trước Lăng Bác trong một buổi sớm tinh khôi, thanh bình của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thủ đô yêu dấu - trái tim cả nước, Thành phố Anh hùng linh thiêng và hào hoa. Chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ quên hình ảnh lá Quốc kỳ tung bay trên sóng biển Trường Sa, Hoàng Sa cùng những ca từ, giai điệu Quốc ca hào hùng trong lễ chào cờ của những chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ canh gác biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và nếu ai đã một lần chứng kiến cũng khó mà quên được hình ảnh các cháu học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) từ hàng chục năm nay vẫn xếp hàng chào cờ đầu tuần dưới lòng đường do điều kiện trường lớp chật chội (để thực hiện được nghi thức này các cô giáo phải làm thành "hàng rào sống" ngăn cách các con với dòng phương tiện qua lại). Hồi tháng 5 năm ngoái, cộng đồng mạng đã chia sẻ cảm xúc trước hình ảnh 1.300 người hát Quốc ca trong một MV ca nhạc khi chủ quyền lãnh thổ của chúng ta bị thế lực ngoại bang ngang nhiên xâm phạm. Và thật xúc động biết bao khi một bà mẹ Việt kiều tại Anh đã kiên trì dạy bé 3 tuổi học hát Quốc ca để giáo dục con về nguồn cội Tổ quốc mình. Để khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước, một nhóm du học sinh đã tự bỏ tiền túi tổ chức thi Cùng hát Tiến quân ca trên mạng xã hội và có sức lan tỏa không ngờ. Nhờ đó, cộng đồng xã hội biết tới hình ảnh hơn 100 trẻ ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai, tương tự là các học sinh khiếm thính ở Trường THCS Xã Đàn hát Quốc ca... bằng tay. Chứng kiến lễ chào cờ đặc biệt này và được nghe Quốc ca không phải bằng tai mà cảm nhận bằng trái tim mình, qua ngôn ngữ cử chỉ, qua những đôi mắt biết nói của trẻ câm điếc, chúng ta mới thấu hiểu được vì sao chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca lại thiêng liêng đến thế.
Lá cờ đỏ sao vàng và bài hát là Quốc kỳ và Quốc ca của đất nước Việt Nam, là linh hồn của toàn thể dân tộc Việt Nam. Ra đời từ "đêm trước" của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, đến nay đã tròn 70 năm lá cờ đỏ sao vàng và bài hát Tiến quân ca trở thành những biểu tượng thiêng liêng của của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cờ đỏ sao vàng và Tiến quân ca đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho nhân dân Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua tất cả những khó khăn thử thách, chiến thắng mọi sức mạnh bạo tàn để giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất non sông đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam Kỳ khởi nghĩa 1940…", và trong bài hát Tiến quân ca sáng tác năm 1944 (được cử hành trọng thể trước quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 và Quốc hội khóa I năm 1946 chính thức công nhận là Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), cố nhạc sĩ Văn Cao cũng đã viết: "Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước" dù thời điểm ấy ông chưa hề nhìn thấy lá cờ mà chỉ tưởng tượng ra. Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm đẫm bao máu đào của các thế hệ đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và cả những cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ sau đó. Biết bao lớp người Việt Nam đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc; biết bao thế hệ cha anh đã cống hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp để Tổ quốc Việt Nam được sống trong hòa bình, thống nhất, phát triển phồn vinh như ngày hôm nay. Đó là một chân lý bất diệt mà chắc chắn các thế hệ người Việt Nam bây giờ và mãi mãi sau này sẽ khắc sâu trong tim mình.
Cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca là một thứ tình cảm thân thuộc và rất đỗi bình thường đối với mỗi con người, ở bất cứ quốc gia nào, dù phương Đông hay phương Tây. Tại các kỳ cuộc thể thao quốc tế lớn, người xem truyền hình trên toàn thế giới thường chứng kiến hình ảnh vận động viên của các quốc gia, đứng trang nghiêm, tay đặt lên ngực trái, nơi có trái tim và miệng hát vang quốc ca khi lá cờ Tổ quốc họ được kéo trên kỳ đài trước mỗi trận đấu hay khi nhận huy chương. Đặc biệt, tại Giải Vô địch Bóng đá thế giới - World Cup 2014, hàng trăm triệu người trên toàn thế giới đã chứng kiến những giọt nước mắt của tiền đạo Neymar khi quốc kỳ Brazil được kéo lên trước trận đấu với Mexico... Chúng ta cũng đã chứng kiến những giây phút nghẹn ngào của các vận động viên nước nhà khi đứng trên bục chiến thắng ở sân chơi thể thao quốc tế và khu vực. Và ở góc độ nào đó những giọt nước mắt ấy làm ta liên tưởng tới những dòng suy nghĩ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc ghi trong nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi: "Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên sân trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! Khóc không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì cảm động". Đó phải chăng là những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào là một công dân và được cống hiến cho Tổ quốc mình?
Thế nhưng, phải thừa nhận một thực tế là ở Việt Nam thời gian qua, việc chào cờ, hát Quốc ca dường như vẫn chỉ là nghi thức, được tổ chức vào những kỳ cuộc, sự kiện chính trị của các ngành, các cơ quan, đơn vị chứ chưa thực sự là một sinh hoạt thường xuyên, càng chưa đi vào nền nếp. Đáng nói là trong khi nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực như Malaysia, Thái Lan... việc chào cờ, hát Quốc ca đầu tuần vẫn được xem như một sinh hoạt bình thường trong đời sống xã hội thì ở nước ta, nghi thức quan trọng này đã mai một, biến tướng nhiều. Có chăng lễ chào cờ đầu tuần còn được thực hiện thường xuyên ở khối lực lượng vũ trang và các trường học phổ thông. Tuy nhiên cách hát Quốc ca đã được "cải tiến", thay vì hát to, rõ lời, đúng nhạc thì nhiều nơi đã bật nhạc thu âm sẵn và đám đông lẩm nhẩm hát theo, nói chung là rất phản cảm. Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến, ngay cả trong các sự kiện chính trị như đại hội chi bộ, lễ kết nạp đảng viên mới...
Rõ ràng là phải hát Quốc ca bằng lời, bằng tình cảm bừng lên tận đáy lòng, từ sâu thẳm trái tim nồng nàn của mỗi con người thì mới cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp, cái âm hưởng hùng tráng của một ca khúc mang tầm thời đại, hết sức thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi thân thuộc, gắn bó. Phải hát Quốc ca bằng lời mới thực sự cảm nhận hết được lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và càng thấy rõ hơn cái sức mạnh vô song của tinh thần đoàn kết cộng đồng, càng thấy rõ hơn trách nhiệm công dân và mong muốn được phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Tại một hội nghị do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tháng 3-2010, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đề nghị MTTQ các cấp phát động phong trào chào cờ và hát Quốc ca trong cả nước, xem đây là nghĩa vụ của mỗi người dân, đồng thời cho rằng "nếu chúng ta không thực hiện nghi lễ này một cách trang trọng, gương mẫu thì làm sao giáo dục thế hệ trẻ được!".
Chính vì thế, việc Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội có công văn chấn chỉnh việc hát Quốc ca, chào cờ đầu tuần ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết và phải được thực hiện nghiêm túc và đi vào nền nếp. Song, để hoạt động này không mang tính hình thức thì phải có cơ chế giám sát thực hiện, đặc biệt phải gắn với trách nhiệm và sự gương mẫu đi đầu của lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền, vận động các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân cùng hưởng ứng để việc chào cờ, hát Quốc ca trở thành ý thức tự thân của mỗi người; để phong trào chào cờ, hát Quốc ca lan tỏa sâu rộng, trở thành một nét đẹp văn hóa ở Thủ đô.