Những con người biết vượt lên số phận khắc nghiệt

Xã hội - Ngày đăng : 23:03, 31/05/2015

HNMO) – Nhưng có thể khẳng định, trong số những người kém may mắn bị nhiễm chất độc da cam đã có không ít người tàn tật vẫn tràn đầy lạc quan, nghị lực sống, vượt qua chính mình để vươn lên!

HNMO) – Có lẽ, ai cũng biết sự tàn phá của chất độc da cam thật tàn khốc! Nó cứ âm ỉ, dai dẳng truyền từ đời ông sang đời cháu, từ đời cha sang đời con. Không thể kể hết ra đây những mảnh đời bất hạnh vì bị nhiễm thứ chất độc này... Nhưng có thể khẳng định, trong số những người kém may mắn bị nhiễm chất độc da cam đã có không ít người tàn tật vẫn tràn đầy lạc quan, nghị lực sống, vượt qua chính mình để vươn lên!

Cho đến hôm nay, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng chất độc da cam thì vẫn gieo rắc những bi kịch, khổ đau cho không ít gia đình trên đất nước Việt Nam. Hàng chục năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã có rất nhiều bài viết về những tấm gương do bị nhiễm chất độc da cam khiến thân thể tàn tật nhưng vẫn vươn lên và vượt qua số phận để sống và làm việc với một tâm hồn đầy khát vọng cao cả…

Để mưu sinh, duy trì cuộc sống, họ đã phải lăn lộn và rất vất vả với nhiều nghề chân chính khác nhau. Trong số đó, gần đây xuất hiện nhiều bạn trẻ đã rất năng động, với một chút năng khiếu về âm nhạc, nghệ thuật, họ tập hợp nhau lại thành lập nhóm nhạc để đi biểu diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Ở đây có thể kể đến hoạt động của Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long (Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội).

Tiết mục văn nghệ do anh Nguyễn Trọng Thủy (31 tuổi, quê ở huyện Gia Lâm) - thành viên trong Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long thể hiện trong một tối giao lưu tại ngoại thành. Anh Thủy bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố là cựu chiến binh trong kháng chiến chống Mỹ, khiến anh bị khiếm thị và chân bị tật nguyền


Gần đây, tôi đã có dịp được gặp gỡ và trao đổi với họ trong một buổi tối mà Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long về biểu diễn, giao lưu văn nghệ tại một làng quê ngoại thành trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội). Rất chân thành và cởi mở, anh Hoàng Văn Nam (sinh năm 1985) - quản lý Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long cho biết, đoàn có 10 anh chị em (6 nam, 4 nữ) là con, cháu của các cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Thành viên trẻ nhất trong đoàn năm nay 20 tuổi, nhiều tuổi nhất là hơn 30 tuổi. Đoàn được thành lập từ năm 2012, hoạt động biểu diễn, giao lưu chủ yếu trên địa bàn các quận, huyện của Hà Nội.

Anh Hoàng Văn Nam cho biết thêm, phương tiện giúp đoàn đi biểu diễn các nơi là chiếc ô tô do một doanh nghiệp hảo tâm tài trợ (cho mượn). Để có được một tối biểu diễn, giao lưu ở một địa phương nào đó, đại diện của đoàn phải đến liên hệ và làm việc với chính quyền quận, huyện. Sau khi có sự giới thiệu của huyện, quận, đoàn lại về làm việc cụ thể với chính quyền xã, phường, thị trấn, xin phép được biểu diễn, giao lưu và nhờ chính quyền sở tại bố trí địa điểm biểu diễn, tài trợ điện, nước, thông báo trên loa truyền thanh của địa phương để nhân dân được biết về đến xem, cổ vũ, ủng hộ cho đoàn.

Theo anh Hoàng Văn Nam, kinh phí để duy trì hoạt động của đoàn chủ yếu là nhờ vào các tấm lòng nhân ái, hảo tâm giúp đỡ của nhân dân địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp nơi đoàn đến biểu diễn, giao lưu…

Hai nữ thành viên của Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long bị ảnh hưởng chất độc da cam


Trực tiếp chứng kiến và xem đoàn biểu diễn, giao lưu trong một buổi tối tại một làng ven đô, tôi biết số tiền mà bà con nhân dân hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ cho đoàn hôm đó còn “khiêm tốn”… Qua đó phần nào giúp tôi hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của anh chị em trong đoàn trong cuộc sống mưu sinh.

Có lẽ, với tôi và những người đã từng một lần xem, một lần nghe anh chị em trong đoàn hát, biểu diễn thì còn mãi đọng lại một ấn tượng tốt đẹp không thể phai mờ. Tuy còn nhiều vất vả trong cuộc sống, nhưng bằng trái tim, bằng tâm hồn nhiệt huyết, họ đã cất cao lời ca, tiếng hát ca ngợi quê hương, đất nước, thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ,… và hơn tất cả là toát lên tinh thần lạc quan, yêu đời, vui sống!

Một tiết mục văn nghệ do nữ thành viên trong Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long thể hiện. Chị cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam


Họ đã và đang góp phần đem lại niềm tin yêu cho mọi người, mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống. “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” là thông điệp khơi dậy lòng nhân ái trong mỗi con người chúng ta. Nhưng có lẽ hơn tất cả, họ đã và đang gửi đến cho chúng ta – những người may mắn hơn họ một thông điệp: cần phải sống sao cho tốt hơn với mọi người!

Một vài hình ảnh của đoàn trong một tối biểu diễn:

Minh Huệ