Nỗi khổ và tự trọng của nhà thơ
Văn hóa - Ngày đăng : 06:38, 31/05/2015
Thông cảm cho NXB vì phát hành thơ bây giờ quá khó, lại giống như đi câu nhưng nhà thơ, với nỗi đau đáu của người viết, một câu một chữ cũng là gan ruột nên ước mong tha thiết không có gì khác là muốn tác phẩm đến được với người đọc. Và hơn thế, là lòng mong mỏi tác phẩm, tác giả được tôn trọng. Cảnh ngộ tự mình bỏ tiền mua tác phẩm của mình hình như không phải chỉ có ở thơ. Nhưng chia sẻ với NXB bằng cách mua 500 cuốn thì... tặng cả đời không hết. Mà chả phải tác giả nào cũng thích "phát" tác phẩm của mình như thế...
Nói thêm chuyện của nữ nhà thơ kể trên. Chị đã có tác phẩm xuất bản ở nước ngoài, đã giành được giải thưởng uy tín về thơ ở trong nước, đã tham gia đọc thơ ở các "sân chơi" quốc tế, thậm chí là đọc thơ có tiền với mức hàng nghìn đôla Mỹ. Nhưng, như đã nói, nhà thơ cần người đọc chứ không phải chỉ cần tiền.
Rõ là khổ cho thi sĩ đương đại! Cô đơn trước trang giấy bây giờ chưa phải là nỗi cô đơn tận cùng của nhà thơ. Đau đầu tìm cách đưa tác phẩm đến với công chúng là một thử thách mới của thi sĩ. Thế nhưng, dẫu là vậy, dù có lúc lên bổng, xuống trầm nhưng ý thức tự trọng của nhà thơ với tác phẩm, với lao động nghề nghiệp của mình vẫn là cần thiết. Vì không chỉ có tôn trọng tác phẩm, tôn trọng mình mà còn là tôn trọng bạn đọc...