FIFA gặp “bão”

Thể thao - Ngày đăng : 06:32, 31/05/2015

(HNM) - Hai ngày trước cuộc bầu cử tân chủ tịch, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã trở thành tâm điểm của một


Quá trình bắt giữ diễn ra rất bất ngờ tại khách sạn Baur au Lac (Thụy Sĩ), nơi các thành viên FIFA tập trung để chuẩn bị tham dự Hội nghị đại hội đồng FIFA lần thứ 65. Tổng cộng, có 14 người đã bị tạm giữ trong đợt truy quét của cảnh sát Thụy Sĩ. Trong số 14 nhân vật bị Chính phủ Mỹ truy tố vì tội tống tiền, lừa đảo và rửa tiền từ năm 1991 đến nay có 9 quan chức FIFA và 5 doanh nhân thể thao.

7 quan chức cấp cao FIFA bị bắt giữ


Chính phủ Mỹ đã đề nghị Thụy Sĩ dẫn độ các nhân vật này sang Mỹ và tiến trình này có thể kéo dài nhiều tháng. Nhân vật cao cấp nhất bị bắt là Jeffrey Webb, 50 tuổi, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bắc Trung Mỹ và Caribbe (CONCACAF), Phó Chủ tịch FIFA. Được biết, chiến dịch vây bắt này là kết quả của các cuộc điều tra do Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thực hiện trong ba năm qua. Tất cả những nghi can bị bắt giữ vì bị nghi ngờ liên quan các vụ hối lộ để ủng hộ Nga đăng cai World Cup 2018 và Qatar đăng cai World Cup 2022. Bên cạnh đó, họ cũng bị cáo buộc tham nhũng, nhận tiền "lại quả" có hệ thống từ các công ty tiếp thị ở Nam Mỹ, Mỹ để giúp những công ty này có được bản quyền truyền thông và tiếp thị ở các giải bóng đá quốc tế. Theo cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, FBI và Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) khẳng định các quan chức FIFA đã ăn hối lộ hơn 150 triệu USD từ năm 1991 đến nay. Điều tra cho thấy, Nam Phi đã đút lót cho một số quan chức FIFA 10 triệu USD để giành quyền đăng cai World Cup 2010.

Vụ việc trên không liên quan đến Chủ tịch FIFA Joseph Blatter, ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 5 vào vị trí lãnh đạo FIFA. Tuy nhiên, việc hàng loạt quan chức dưới trướng, được cho là thân cận với đương kim Chủ tịch Blatter bị bắt đã dấy lên nhiều chỉ trích và yêu cầu người đứng đầu tổ chức thể thao giàu có nhất thế giới phải rút lui sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp với nhiều cáo buộc tham nhũng. Cuộc họp của Đại hội đồng FIFA lần thứ 65 khai mạc đêm 28-5 (giờ Việt Nam) tại Zurich diễn ra trong không khí rất căng thẳng và nặng nề. Tại cuộc họp, Chủ tịch LĐBĐ Châu Âu (UEFA) Michel Platini đã công khai yêu cầu ông Blatter từ chức nhưng vị Chủ tịch đã từ chối. Thế nhưng, trong cuộc họp báo sau đó, ông Platini đã kêu gọi các nước thành viên FIFA bỏ phiếu loại bỏ ông Blatter.

Kể từ khi ông Blatter trở thành "người cầm cương" năm 1998, FIFA đã lớn mạnh từ một tổ chức phi lợi nhuận nhỏ bé chỉ có chức năng duy nhất là trao quyền đăng cai World Cup cho các nước thành một trong những tổ chức thể thao hùng mạnh và giàu có nhất trên thế giới. Dẫu vậy, trong những năm gần đây FIFA là trung tâm của các cuộc điều tra tham nhũng dù tổ chức này luôn bác bỏ những cáo buộc về các quan chức cấp cao của mình.

Tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Đạo đức của tổ chức này cho biết đã kết thúc cuộc điều tra tham nhũng trong quá trình xét chọn nước chủ nhà cho World Cup cho các năm 2018, 2020 với việc Nga, Qatar được chọn và tuyên bố không tìm thấy dấu vết tham nhũng, đồng thời không đủ lý do để mở lại quá trình xét duyệt. Tuy nhiên, FBI lại tăng cường điều tra sau khi cựu công tố viên Michael Garcia, người được FIFA thuê để thực hiện cuộc điều tra nội bộ đã không đồng tình với kết luận của FIFA.

Sự việc đang ở giai đoạn đầu tiên nhưng đã là một đòn giáng mạnh vào uy tín của tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới, môn thể thao mà tinh thần chơi đẹp, cống hiến và công bằng luôn được đề cao.

Đức Luân