Từ quạt giấy đến quạt điện
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:40, 31/05/2015
Quạt xếp và quạt phẳng
Quạt chia làm hai loại là quạt xếp và quạt phẳng. Quạt xếp được làm từ các nan xếp chồng lên nhau. Tùy theo tầng lớp trong xã hội mà nan quạt có thể bằng ngà voi, bằng sừng, gỗ hay cật tre, nứa. Cũng tùy theo địa vị, quạt được dán bằng the, lụa, giấy dó và màu sắc cũng khác nhau: Màu trắng, màu hồng, màu nâu. Quạt của các cô con nhà quyền quý còn được trang trí cảnh vật; của văn nhân còn có câu lập ngôn để đời. Quạt phẳng cũng vậy, tuy không xếp lại được nhưng chất liệu, kiểu dáng, màu sắc cũng vô cùng phong phú, thậm chí đa dạng hơn cả quạt xếp, ví dụ người ta dùng cả lông công, lông phượng làm quạt... Với người nông dân, họ cắt mo cau khô để làm quạt - gọi là quạt mo - và liên quan cái quạt, có cả bài đồng dao "Thằng Bờm có cái quạt mo".
Trên thế giới, nhiều nước có quạt phẳng nhưng quạt xếp thì chỉ có ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Tuy nhiên, quạt xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Nếu căn cứ các di tích khảo cổ được khai quật thì người ta từng tìm thấy khung quạt bằng gỗ từ thế kỷ XVIII. Còn căn cứ vào văn bản thì "Đại Việt sử ký" chép năm 1362, vua Trần Dụ Tông đã sai gia nô làm quạt giấy bán lấy tiền. Còn sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi ghi lại: Năm 1435, ở Thăng Long có phường Tả Nhất chuyên làm quạt. Phường nghề này có sáng kiến chồng nhiều lớp hình vẩy ốc (có lẽ là quạt xếp). Trong lịch sử, từ triều Lê đến Nguyễn, quạt giấy là vật phẩm dùng trong ngoại giao với Trung Quốc, Xiêm La (Thái Lan ngày nay). Như vậy, căn cứ vào văn bản, chỉ có thể nói rằng quạt xuất hiện ở Việt Nam vào đời nhà Trần. Song nếu căn cứ vào nghệ thuật chèo thì quạt xếp ra đời sớm hơn. Trong bộ môn nghệ thuật truyền thống này, quạt giấy được diễn viên sử dụng như một đạo cụ mang tính ước lệ. Ví dụ, để diễn tả một người con gái kín đáo và e lệ, diễn viên dùng quạt che kín mặt hay nghiêng mặt che quạt; thể hiện sự đài các, diễn viên phe phẩy cái quạt và cái quạt giấy cũng chứng tỏ quyền lực khi họ xếp lại chỉ vào mặt ai đó. Đến đời Đinh, chèo đã phát triển lên đến đỉnh cao và người ta đã tôn bà Phạm Thị Trân là Ưu Bà. Như vậy muộn nhất, quạt giấy có thể ra đời từ nhà Đinh. Vì Đại Việt có nghề làm giấy dó và dệt lụa từ rất sớm, hai thứ nguyên liệu để làm ra quạt nên có thể quạt xuất hiện sớm hơn nhưng dù sao, chưa có cơ sở để khẳng định điều đó.
Những chiếc quạt thời bao cấp. |
Quạt điện có từ bao giờ?
Quạt điện gắn liền với năng lượng điện, nhưng điện ở Hà Nội có từ bao giờ? Ngày 6-12-1892, tòa đốc lý cho xây Nhà máy đèn Bờ Hồ (vị trí nay là Tổng công ty Điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng). Nhà máy sử dụng máy phát bằng hơi nước công suất ban đầu rất nhỏ. Đến năm 1897, Nhà máy đèn Bờ Hồ được bổ sung máy, nâng công suất lên 300 mã lực. Tuy có điện nhưng vì công suất nhỏ nên chỉ đủ dùng cho Tòa Đốc Lý (nay là UBND TP Hà Nội), Kho bạc (nay là Thành ủy Hà Nội), Bưu điện và nhà viên Phó Toàn quyền ở bên kia Hồ Gươm (nay là Báo Nhân dân) và thắp sáng 523 bóng đèn, mỗi bóng 8 oát, quanh khu vực Hồ Gươm, các khu vực dành cho người Pháp và đoạn đê sông Hồng sát khu Đồn Thủy (năm 1901, tàu điện bắt đầu hoạt động nhưng sử dụng máy phát điện riêng).
Năm 1902, chính quyền bảo hộ đầu tư thêm máy và công suất điện lên 850 mã lực. Và bắt đầu từ năm này, một số cơ quan công quyền như Tòa Đốc Lý, Dinh Thống sứ, Dinh Toàn quyền, Bưu điện đã được trang bị quạt trần nhưng chỉ ở phòng làm việc của quan chức đứng đầu hoặc phòng họp. Trúng thầu nhập hàng là Công ty điện máy Descours-Cabaud có văn phòng ở phố Paul Bert (nay là số 3 Tràng Tiền). Ngoài cơ quan công quyền thì các phòng của khách sạn Métropole - hoàn thành xây dựng năm 1903 - cũng được lắp quạt. Thời gian này, quạt có cánh gỗ được nhập vào Hà Nội nhưng do khí hậu nóng ẩm nên cánh gỗ bị vênh cong, các nhà nhập khẩu chỉ nhập quạt cánh sắt.
Công suất phát điện ở Hà Nội hầu như không tăng và đến năm 1922, Nhà máy đèn Bờ Hồ mới được bổ sung tổ máy, công suất phát điện mới tăng lên. Năm 1925, Nhà máy nhiệt điện Yên Phụ được xây dựng và đến năm 1929, hai tổ máy đầu tiên đã phát điện, đến năm 1932 hoàn thành tiếp hai tổ máy. Từ đó, điện ở Hà Nội dư dả vì Nhà máy nhiệt điện Yên Phụ tiếp tục lắp thêm các tổ máy để phục vụ cho một vài tỉnh miền Bắc. Trong thập niên 20, các rạp Quảng Lạc (phố Tạ Hiện), Chuông Vàng (Hàng Bạc), Sán Nhiên Đài (phố Đào Duy Từ) và nhiều rạp khác đều không có quạt trần nên vào mùa hè, chủ rạp thuê vài thằng nhỏ chuyên kéo quạt. Quạt làm bằng nan tre dán giấy, hình chữ nhật treo trên cao, hai góc có hai dây cho hai thằng nhỏ kéo qua kéo lại tạo gió. Đến năm 1933, các rạp này mới lắp vài quạt trần xua cái nóng, Hà Thành ngọ báo năm 1933 viết "Những khán giả đi xem cải lương dù mê đào Tửu xinh đẹp nhưng vẫn kêu oai oái và bà nào cũng thủ sẵn một cái quạt giấy". Những năm này, Hà Nội xuất hiện quạt bàn vì thành phần trung lưu trong thành phố nhiều lên. Cuối năm 1940, quân Nhật vào Việt Nam. Theo chân quân đội là các hãng mang theo hàng hóa. Có hai mặt hàng được dân Hà Nội ưa chuộng là kem que và quạt điện hiệu Mitsubishi. Ở phố Lê Thái Tổ, có một cửa hàng bách hóa chuyên bán hàng Nhật (nay là Intimex) với sản phẩm là những chiếc quạt bàn có lồng bao, cánh bằng đồng sáng bóng.
Quạt điện thời bao cấp
Sau năm 1954, một vài cơ sở sản xuất ở Hà Nội bắt tay vào sản xuất thì quạt của điện cơ Thống Nhất ra đời nhưng nhà máy này chỉ sản xuất được quạt trần. Cùng lúc đó, quạt bàn nhãn hiệu con gấu - sản xuất ở Thượng Hải, Trung Quốc - được nhập vào Việt Nam nhưng chỉ có cán bộ trung cao cấp mới có thể mua được. Còn lại, người dân vẫn dùng quạt bàn, quạt trần từ thời Pháp. Mùa hè, vào xem phim ở rạp Tháng Tám hay xem kịch ở Nhà hát Lớn, vẫn nguyên những chiếc quạt trần hai cánh, ba cánh treo trên đầu.
Thập niên 1960, dân số Hà Nội tăng nhanh, lại thêm nhiều nhà máy lớn được xây dựng nên Hà Nội bắt đầu thiếu điện, tuy không thường xuyên nhưng nhiều khu vực luân phiên bị cắt. Để có điện phục vụ xây dựng và phát triển miền Bắc, đồng thời đáp ứng nhu cầu dân sinh, năm 1961 nhà nước đã xây dựng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí và tiến hành khảo sát xây Nhà máy thủy điện Thác Bà. Năm 1967, máy bay Mỹ đánh bom Nhà máy điện Yên Phụ nên điện ngày càng thiếu hơn. Năm 1973, dân Hà Nội đi sơ tán trở về thành phố, nhu cầu sử dụng điện mùa hè tăng lên nên điện thiếu trầm trọng. Những tối nóng nực, quanh hồ Hoàn Kiếm, dân rải chiếu ngủ đông vô kể. Chiếc quạt con cóc hay còn gọi là quạt 35 đồng (vì bán giá 35 đồng, khi đó lương khởi điểm của người mới đi làm là 36 đồng) dù phải giành giật mới mua được nhưng mất điện hay điện quá yếu trở nên vô tác dụng. Và khi có điện thì chỉ chạy một thời gian là lỗ cắm cánh nhựa bị rộng ra do trục quạt quá nóng nên nhà nào cũng phải lót thêm miếng vải cho chặt để cánh khỏi văng. Cán bộ, sinh viên đi công tác và học tập Liên Xô về, ai cũng mang theo chiếc quạt tai voi (vì 3 cánh cao su trông như tai con voi), quạt có túp- năng nhưng không có lồng bảo vệ cánh. Tuy nhiên, vì cánh bằng cao su nên không gây nguy hiểm cho con trẻ. Khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, các loại quạt trần, quạt bàn sải cánh 40cm sản xuất ở Nhật theo cán bộ, bộ đội phục viên ào ra miền Bắc. Không còn nỗi lo thiếu quạt nhưng điện sinh hoạt bị cắt bất cứ thời điểm nào. Buổi tối, đèn của các gia đình ở cuối nguồn điện chỉ đủ đỏ dây tóc nên quạt Nhật đẹp, chạy êm cũng bỏ xó. Và tiếng quạt nan lại phành phạch cả đêm hè nóng bức.
Đầu thế kỷ XXI, điện ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, và mùa hè năm nay ngành điện Hà Nội bảo đảm rằng có đủ điện phục vụ sản xuất lẫn sinh hoạt dù phụ tải tăng cao. Mức sống tăng, số gia đình lắp điều hòa cũng tăng vọt. Những ngày nắng thế này, quạt không lại, điều hòa thành thử chiếm vị trí số một.