Gần 130 tỷ đồng của khách hàng đang ở đâu?

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:42, 30/05/2015

(HNM) - Hơn 4 năm đầu tư vào dự án Đầu tư xây dựng Khu biệt thự, nhà vườn, thương mại và dịch vụ tổng hợp Hưng Nga tại thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh), đến nay hơn trăm khách hàng có nguy cơ mất trắng số vốn cho vay lên tới gần 130 tỷ đồng.

Khu đất thực hiện dự án sau nhiều năm vẫn chỉ là bãi đất hoang.


4 năm mòn mỏi chờ dự án

Trong đơn gửi tới Báo Hànộimới, 137 khách hàng của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Thương mại Hạ Long (Công ty Hạ Long) trình bày, tháng 3-2011, cộng đồng khách hàng đã ký hợp đồng với Công ty Hạ Long về việc cho công ty này vay vốn triển khai dự án đầu tư "Xây dựng Khu biệt thự nhà vườn thương mại và dịch vụ tổng hợp Hưng Nga" (thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) để được quyền ưu tiên mua nhà tại dự án khi có đủ điều kiện. Theo đó, hợp đồng vay vốn giữa hai bên có thời hạn là 8 tháng với số tiền vay tương ứng tổng giá bán lô đất khách hàng được ưu tiên mua, thời gian thanh toán chia thành 5 đợt theo tỷ lệ 40%, 10%, 20%, 20%, 10%. Giấy tờ cam kết của Công ty Hạ Long về việc ưu tiên cho khách hàng được quyền mua ô đất được công ty cho vào phong bì dán kín có dấu niêm phong. Hợp đồng quy định rõ: Hết thời hạn 8 tháng nếu khách hàng không có nhu cầu mua ô đất được quyền ưu tiên mua, Công ty cam kết trả lại tiền cho khách hàng và được tính lãi suất 1%/tháng. Trong thời hạn vay, bên A luôn đưa ra các thông báo cho khách hàng rằng tiến độ dự án vẫn diễn ra bình thường, đề nghị khách hàng nộp tiền theo tỷ lệ quy định trong hợp đồng vay. Chính vì vậy, rất nhiều khách hàng đã thanh toán đến 90% số tiền lô đất được quyền ưu tiên mua. Tính đến nay đã có 137 khách hàng nộp tiền cho Công ty Hạ Long với số tiền là hơn 127 tỷ đồng. Tuy nhiên, hết thời hạn vay, dự án vẫn "giậm chân tại chỗ" khiến khách hàng vô cùng hoang mang.

Ông Trần Quốc Toản, một nhà đầu tư bức xúc nói: "Thời gian qua, nhóm khách hàng đã tổ chức nhiều cuộc họp với Công ty Hạ Long để làm rõ sự việc, yêu cầu Công ty Hạ Long thực hiện đúng cam kết hợp đồng nhưng ông Phạm Như Quỳnh, Giám đốc Công ty né tránh. Trong các buổi tiếp xúc với khách hàng, công ty này chỉ cử người đại diện (người này không có quyền quyết định các vấn đề liên quan tới tranh chấp). Thậm chí, nhiều khách hàng đã rỉ tai nhau về việc ông Quỳnh có dấu hiệu bỏ trốn. Đến nay, chúng tôi không biết số tiền Công ty Hạ Long thu của khách hàng đang nằm ở đâu?".

Tiền đầu tư "bốc hơi"?

Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Hànộimới được biết: Ngày 9-3-2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 778/QĐ-UBND về việc thu hồi 97.952m2 đất tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, giao cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hưng Nga (Công ty Hưng Nga) thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu biệt thự, nhà vườn Hưng Nga. Ngay sau khi có Quyết định 778/QĐ-UBND, ngày 24-6-2008, Công ty Hưng Nga đã triển khai, hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nộp đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất và tiến hành san lấp toàn bộ mặt bằng theo quy hoạch. Sau khi huyện Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội, Công ty Hưng Nga đã được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho diện tích 42.401,6m2 đất của dự án.

Tiếp đến, ngày 5-1-2011, Công ty Hưng Nga đã ký hợp đồng "liên doanh, liên kết" với một đối tác khác là Công ty Hạ Long. Thực chất đây là hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có tính nguyên tắc, với nội dung 6 cổ đông hiện hữu của Công ty Hưng Nga sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty Hưng Nga cho Công ty Hạ Long. Sau đó, Công ty Hưng Nga và Công ty Hạ Long tiến hành khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong khi việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần giữa hai đơn vị này chưa được giải quyết dứt điểm thì dự án phải tạm ngưng do có hàng trăm người dân thôn Phú Nhi cản trở, đe dọa không cho thi công với lý do yêu cầu chính quyền trả đất dịch vụ cho dân.

Mặc dù dự án bị tạm ngưng nhưng không hiểu vì lý do gì Công ty Hạ Long lại đứng ra thực hiện việc huy động vốn (thông qua các hợp đồng vay vốn) để thực hiện dự án. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 137 khách hàng ký hợp đồng cho đơn vị này vay tới 127 tỷ đồng như đã nói ở trên.

Để làm rõ vụ việc, phóng viên Báo Hànộimới đã có buổi làm việc với bà Trịnh Thị Hạnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hưng Nga. Bà Phúc cho biết: "Dự án bị tạm ngưng nằm ngoài mong muốn của chúng tôi. Việc hứa trả đất dịch vụ cho người dân thuộc trách nhiệm và quyền hạn của huyện Mê Linh và tỉnh Vĩnh Phúc trước đây. Nhiều năm qua, Công ty Hưng Nga đã có rất nhiều văn bản đề nghị, nhiều buổi họp, làm việc với ủy ban, công an và các cơ quan chức năng của huyện Mê Linh và xã Thanh Lâm. Các ngành chức năng cũng đã tổ chức nhiều buổi họp dân để tuyên truyền vận động nhưng vẫn chưa có kết quả. Người dân thôn Phú Nhi xã Thanh Lâm nói riêng, nhân dân huyện Mê Linh nói chung vẫn bảo vệ quan điểm "phải được cấp đất dịch vụ. Trong suốt thời gian dài, Công ty liên tục có văn bản đề nghị UBND huyện Mê Linh và UBND thành phố Hà Nội tìm biện pháp tháo gỡ. Ngày 12-12-2013, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 7512/QĐ-UBND về việc thu hồi 9.522,8m2 đất thương phẩm tại dự án của Công ty Hưng Nga để làm quỹ đất dịch vụ. Những tưởng khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ. Tuy nhiên, cho đến nay, huyện Mê Linh vẫn chưa cụ thể hóa được quyết định nói trên của UBND thành phố. Người dân vẫn chưa nhận được đất dịch vụ, còn chúng tôi đã nhiều lần khởi công và từng đó lần bị người dân cản trở, phá hoại, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Vì dự án bị tạm ngưng, cộng với việc thị trường bất động sản bị đóng băng, Công ty Hạ Long gặp khó khăn về tài chính nên hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa hai bên cũng chưa được thực hiện tiếp".

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Công ty Hạ Long vay vốn của rất nhiều khách hàng, bà Phúc cho biết: Công ty Hưng Nga cũng đã được nghe về việc Công ty Hạ Long ký hợp đồng vay vốn với nhiều người để triển khai các dự án của Công ty Hạ Long (trong đó có dự án của Công ty Hưng Nga). Tuy nhiên, việc này không liên quan tới Công ty Hưng Nga. Cho đến giờ phút này, Công ty Hưng Nga không được thông báo bằng văn bản hoặc bằng bất kỳ hình thức nào về việc ký kết các hợp đồng góp vốn đó.

Tuy nhiên, với tinh thần thiện chí, theo đề nghị của các đại diện khách hàng của Công ty Hạ Long, ngày 20-1-2015, Công ty Hưng Nga, Công ty Hạ Long và một số đại diện khách hàng đã ký biên bản họp ba bên. Nội dung biên bản đồng ý chuyển hợp đồng vay vốn của Công ty Hạ Long với khách hàng sang Công ty Hưng Nga - tư cách chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, cũng không hiểu vì lý do gì mà đến nay Công ty Hạ Long vẫn chưa bàn giao các hợp đồng vay vốn và chứng từ kèm theo, khiến khách hàng càng thêm hoang mang, bức xúc.

Mấu chốt của tranh chấp chính là số tiền của khách hàng tham gia góp vốn đang bị chiếm dụng. Công ty Hưng Nga thông báo chưa nhận được chứng từ, trong khi đó phía Hạ Long thì "bặt vô âm tín". Phóng viên Báo Hànộimới cũng tìm đủ mọi cách liên lạc với ông Phạm Như Quỳnh (Giám đốc Công ty Hạ Long) nhưng bất thành.

Tiếp tục đi tìm câu trả lời, nhóm phóng viên đến UBND huyện Mê Linh đặt lịch làm việc. Bộ phận văn phòng của huyện Mê Linh hứa sẽ sắp xếp và thông báo lại nhưng đã nhiều ngày qua, chúng tôi chưa nhận được thông tin phản hồi. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này. 

Thanh Hải - Dương Hiệp