Cần hành lang pháp lý quản lý thống nhất về biển và hải đảo
Chính trị - Ngày đăng : 19:18, 29/05/2015
Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Nhiên |
-Thưa Chuẩn đô đốc, ngày 25- 6 tới Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tuy nhiên, đọc dự thảo mới nhất, vẫn có không ít đại biểu quốc hội cho rằng Ban soạn thảo đã sơ hở khi chưa đề cập đến một số cấu trúc, vật chất ở ngoài biển, trong lãnh hải, trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta như bãi cạn, đảo ngầm, bãi đá. Ông đánh giá gì về nhận định này?
- Tôi cho rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải hết sức cân nhắc vấn đề này để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Tôi lấy ví dụ để Ban soạn thảo nghiên cứu, tại Trường Sa, hiện nay Brunei dù không chiếm giữ đảo chìm hay đảo nổi nào nhưng họ vẫn tuyên bố chủ quyền với một bãi đá ngầm. Nếu như chúng ta không đưa bãi cạn, đảo ngầm, bãi đá vào vào chương “Quản lý tài nguyên hải đảo”của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nghĩa là cấu trúc trên sẽ không nằm trong tầm điều chỉnh của dự luật. Vậy chúng ta quản lý tài nguyên ở các cấu trúc này như thế nào?
- Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng nghiêm trọng. Việc này phải chăng bắt nguồn từ việc quản lý và sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên biển?
- Ô nhiễm biển bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong số đó, việc khai thác dầu khí trên biển có tác động mạnh mẽ nhất đến môi trường biển. Thế nhưng Ban soạn thảo Luật tài nguyên môi trường và hải đảo nêu quan điểm cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ chịu trách nhiệm quản lý về toàn bộ hoạt động khai thác, vận chuyển, sử dụng dầu và các sản phẩm dầu, hóa chất độc. Trong khi đó, ngoài dầu và các sản phẩm hóa chất độc còn có các loại chất khác thăm dò, nghiên cứu khai thác, vận chuyển, sử dụng trong môi trường biển và hải đảo, các chất này vẫn có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường biển. Để bảo đảm tính chặt chẽ của luật, tôi cho là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chịu trách nhiệm pháp lý về toàn bộ hoạt động khai thác, vận chuyển, chuyển tải sử dụng dầu, các sản phẩm dầu, hóa chất độc và cả các loại hóa chất khác. Đặt vấn đề như vậy sẽ bao hàm và mở rộng các loại hóa chất khác gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố ô nhiễm môi trường trên biển và có công cụ ngăn chặn tình trạng này.
- Kinh tế biển đóng góp 50% GDP cả nước, nhưng tại sao trong thời gian qua việc quản lý biển hải đảo bị chia cắt nhỏ, thưa ông?
-Mấu chốt là đang thiếu công cụ kết nối các ngành trong bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Trong khi đó nội dung quy định về trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ tại dự thảo Luật tài nguyên môi trường và hải đảo chưa đầy đủ. Ban soạn thảo mới chỉ quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và môi trường. Còn trách nhiệm của cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa cụ thể, còn chung chung, không rõ Bộ, ngành cụ thể nào có nhiệm vụ cụ thể ra sao trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Quy định như vậy sẽ dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, cơ quan trong hoạt động quản lý, tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo.
- Để việc quy hoạch và khai thác tiềm năng biển hiệu quả, ông cho rằng, trước mắt cần làm gì?
- Theo tôi, cần chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia hoạt động quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo, đặc biệt công tác chỉ đạo Cục Kiểm ngư thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, chủ động tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật của cá nhân, tổ chức trong hoạt động trong phạm vi vùng bờ, hải đảo và vùng biển Việt Nam; khai thác hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thực hiện tuyên truyền về biển và hải đảo, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo tại địa phương. Tuy nhiên, không phải với trường hợp nào Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng đủ khả năng bố trí có phương tiện, trang thiết bị, nhân lực và kinh phí thực hiện nhiệm vụ này. Trong khi đó Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều đơn vị thuộc trực thuộc và Bộ tư lệnh cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quân có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ này... Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định nhiệm vụ tuyên truyền về biển và hải đảo, phổ biến giáo dục pháp luật và quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đảo và hải đảo của các bộ, ngành.
Song song đó, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cũng cần có những quy định chặt chẽ. Tiêu chí hoạt động đầu tiên là tôn trọng độc lập chủ quyền của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chỉ được tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học vì mục đích hòa bình, không được tiến hành các hoạt động khác ngoài các hoạt động nghiên cứu khoa học theo nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép.
Cùng với đó, cũng cần có những quy định mang tính khuyến khích, động viên nhân dân, ngư dân ven biển vươn ra biển làm ăn, sẵn sàng ra đảo lao động, cải tạo thiên nhiên và khai thác nguồn lợi từ biển đảo.
- Ông đánh giá gì trước việc Đại biểu quốc hội Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ thành lập Bộ Kinh tế biển và giao cho một Phó Thủ tướng phụ trách về hoạt động kinh tế biển để quản lý, khai thác có hiệu quả lĩnh vực quan trọng này?
- Phát triển kinh tế biển có rất nhiều vấn đề trong đó có tài nguyên biển đảo, ngư nghiệp, dầu khí, cảng biển và kể cả các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển. Đề xuất này phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn Việt Nam. Đó là phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh. Song việc thực hiện cần có lộ trình. Chúng ta có Tổng cục biển đảo của Bộ Tài nguyên Môi trường; Cục ngư nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các khu công nghiệp ven biển thì do Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công thương, Điều tra khoa học cơ bản thì thuộc Bộ Khoa học Công nghệ… hoạt động còn tản mạn. Trước mắt nên củng cố bộ máy, cơ chế phối hợp. Khi mạnh rồi thì lọc, gom các đơn vị này lại, thành lập Bộ Kinh tế biển.
Trân trọng cảm ơn Chuẩn đô đốc.