Phải siết lại kỷ cương ngân sách

Kinh tế - Ngày đăng : 17:09, 28/05/2015

(HNMO) – Thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách năm 2013 chiều 28/5, các đại biểu đề nghị, Chính phủ phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục hạn chế trong thực thi kỷ luật ngân sách.

Đánh giá về tình hình thực hiện ngân sách năm 2013, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh rất khó khăn của nền kinh tế năm 2013, nhưng Quốc hội lúc đó đã có nghị quyết sáng suốt giúp tháo gỡ cho Chính phủ; Chính phủ và ngành thuế, hải quan đã có nhiều cố gắng trong điều hành thu, chi, góp phần thực hiện kế hoạch ngân sách được giao, vượt qua các khó khăn của năm 2013 khá ngoạn mục, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là tình hình bội chi của Chính phủ đã vượt so với kế hoạch được duyệt, việc thực hiện kỷ cương ngân sách chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng chi sai.

Theo đại biểu Đồng Hữu Mạo – Thừa Thiên Huế, việc bội chi ngân sách của năm 2013 cao hơn chi cho đầu tư phát triển, phải chăng Chính phủ đã đi vay để chi thường xuyên.

“Bội chi năm 2013, Quốc hội chỉ cho phép là 5,3%, nhưng giờ quyết toán là 6,6%. Tất nhiên, Chính phủ tăng bội chi vì ích nước, lợi dân nhưng nếu Chính phủ cứ chi vượt như vậy thì vai trò của Quốc hội trong việc ra nghị quyết về dự toán đã vô hình chung bị hạ thấp”, đại biểu Đồng Hữu Mạo nói.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Hà Nội đề nghị Chính phủ cần làm rõ một số khoản chi quan trọng trong năm 2013 đã không đạt dự toán, ảnh hưởng đến sự phát triển KTXH, gây lãng phí ngân sách như chi cho sự nghiệp KHCN, chi cho giáo dục, đào tạo, chi cho một số chương trình mục tiêu quốc gia…

“Hiện tượng sử dụng ngân sách sai mục đích, chi sai vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, tôi thấy đáng suy nghĩ, phân vân là tình trạng điều chỉnh, phân bổ vốn sử dụng trong năm lại không thông qua HĐND cấp tỉnh. Đây là vấn đề nghiêm trọng, không chấp hành đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không coi trọng quyền lực Nhà nước ở địa phương”, đại biểu Khánh nói.

Đại biểu Khánh nhất trí quyết toán ngân sách năm 2013 theo đề nghị của Chính phủ nhưng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những người đã không thực hiện đúng kỷ luật ngân sách trong năm 2013 để rút kinh nghiệm cho những trường hợp sau.

Chung quan điểm, đại biểu Bùi Đức Thụ - Lai Châu cũng đề nghị Chính phủ phải nghiêm túc rút kinh nghệm trong việc không đạt được dự toán chi cho một số lĩnh vực, gây hạn chế tính chủ động trong điều hành ngân sách.

Đại biểu Thụ cũng cơ bản tán thành với giải trình của Chính phủ về việc tăng bội chi nhưng cho rằng, để hợp lệ, hợp pháp, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Sóc Trăng



Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Đức Kiên – Sóc Trăng, nếu loại trừ hai yếu tố tăng thu từ thu lợi nhuận của các DN, tập đoàn Nhà nước và tăng thu tiền sử dụng đất thì thu ngân sách năm 2013 không đạt so với kế hoạch và điều này cũng cho thấy, nền kinh tế nước ta trong năm 2013 giữ được ổn định, nhưng là dốc hết toàn lực.

“Thu tuy có vượt nhưng thâm hụt ngân sách cũng đã vượt ngưỡng, chứng tỏ sự phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ trong xây dựng và phê duyệt dự toán, quyết toán chưa chặt chẽ, vấn đề kỷ luật chi ngân sách cần được cân nhắc”, đại biểu Kiên nói.

Cũng ủng hộ quyết toán ngân sách năm 2013, đại biểu Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trì trệ của năm 2013, Chính phủ cũng như Quốc hội đã dùng công cụ tài khóa để kích thích kinh tế nên việc tăng thu, tăng chi đã kích thích được tổng cầu. Tuy nhiên, xét về kỷ cương ngân sách thì có nhiều vấn đề: dự toán và thực tế vênh nhau quá lớn, phải chăng có hiện tượng đề kế hoạch thu thấp để vượt kế hoạch?

“Kỷ cương ngân sách không nghiêm thì liệu có cần khắc phục không? Nếu cần thì Luật ngân sách mới sắp được thông qua có khắc phục được nhưng tồn tại này hay không? Tôi kiến nghị những tồn tại về mặt thể chế làm kỷ cương ngân sách không nghiêm phải được khắc phục ngay trong luật sắp tới, nếu không, sẽ vẫn tồn tại hiện tượng chi tiêu tùy tiện. Đặc biệt, QH phải có sự giám sát nguồn tiền khi đã duyệt phân bổ ngân sách”, đại biểu Lịch đề xuất.

Giải trình thêm về các vấn đề đại biểu quan tâm trong báo cáo quyết toán ngân sách năm 2013, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mức bội chi năm 2013 đã được QH quyết là 5,3% GDP nhưng quyết toán thực tế đã vượt lên 6,6%. Lý do là để trả nợ dứt điểm tiền hoàn thuế GTGT của năm 2011 và tăng chi giải ngân ODA.

Về tăng chi cho nguồn vốn ODA, Bộ trưởng cho biết, mấy năm gần đây, khả năng là cả năm 2015, do chính sách tập trung cải cách hành chính và ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho ODA, các chủ dự án cũng tập trung mạnh cho GPMB dự án nên các dự án ODA đã có tốc độ giải ngân cao hơn. Theo Bộ trưởng, tăng chi từ ODA chủ yếu cho lĩnh vực giao thông, nông nghiệp.

“Thực tế, chúng ta tăng bội chi nhưng không làm tăng thêm nợ công. Ngoài nguyên nhân tăng chi cho đầu tư, các dự án ODA và các nguyên nhân khách quan khác, Chính phủ cũng nhận thấy có nguyên nhân chủ quan là tính toán phân bổ ngân sách chưa sát thực tế. Chính phủ đã có văn bản chấn chỉnh vấn đề này”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng khẳng định, tính đến 31/12/2013, dư nợ Chính phủ, nợ công vẫn trong giới hạn đảm bảo an ninh quốc gia.

Thay mặt cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, năm 2013, do tình hình thu khó khăn và Chính phủ dự báo hụt thu nhiều nên Quốc hội đã quyết định điều chỉnh bội chi ngân sách nhưng đồng thời cũng có 2 quyết định quan trọng khác để bù hụt thu là lấy nguồn thu cổ tức và phần lợi nhuận dầu khí để lại sau khi trừ đi các quỹ để nộp vào ngân sách.

Về ý kiến đại biểu nhận xét báo cáo thẩm tra của Ủy ban không thể hiện chi tiết các địa phương vi phạm kỷ luật ngân sách, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiểm cho biết, trong báo cáo kiểm toán đã thể hiện rõ các địa phương vi phạm và vấn đề này đã được xem xét, xử lý nghiêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết thêm, Hiến pháp 2013 đã quy định mọi khoản thu chi đều phải có dự toán, không có khoản chi nào được ra khỏi kho bạc nếu không có dự toán nên năm 2014, quyết toán sẽ được xem xét rất kỹ và kỷ luật ngân sách cũng sẽ được siết chặt thêm một bước.

H.Vân