Không nên sửa thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính của TAND
Chính trị - Ngày đăng : 15:21, 28/05/2015
Theo Chính phủ, qua thực tiễn hơn 3 năm thi hành Luật tố tụng hành chính cho thấy, mặc dù số lượng các vụ án hành chính ngày càng gia tăng nhưng chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính chưa thực sự bảo đảm; số lượng các bản án, quyết định về vụ án hành chính bị huỷ, sửa chưa giảm mạnh ; thời hạn giải quyết, xét xử các vụ án hành chính theo quy định của Luật trong một số trường hợp vẫn còn bị vi phạm; có những khiếu kiện hành chính đơn giản, chứng cứ rõ ràng, nhưng việc giải quyết, xét xử phải qua đầy đủ các giai đoạn tố tụng nên tốn kém thời gian, chi phí của người dân và Toà án…
Để khắc phục những hạn chế này, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) gồm 22 chương, 340 điều. So với Luật tố tụng hành chính hiện hành, dự thảo Luật tăng thêm 75 điều, trong đó giữ nguyên 122 điều, sửa đổi, bổ sung 142 điều của Luật tố tụng hành chính hiện hành và bổ sung 76 điều mới.
Về thẩm quyền của Tòa án, dự luật sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Tòa án từng cấp để phù hợp với quy định của Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014; sửa đổi thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo hướng khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp tỉnh để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính. Đồng thời, pháp điển hoá các văn bản hướng dẫn hiện hành về giải quyết trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện, tách, nhập, chuyển vụ án cho Toà án khác và tranh chấp về thẩm quyền giữa các Toà án.
Về quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, dự luật sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự để bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; cụ thể là đương sự có quyền tiếp cận chứng cứ; quyền đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp và tham gia phiên họp xem xét việc thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ và giải quyết các yêu cầu khác về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đề nghị những vấn đề cần tranh tụng; tham gia tranh tụng tại phiên toà; đề nghị Toà án tổ chức đối chất và tham gia đối chất với nhau hoặc với người làm chứng; sửa đổi, bổ sung quy định về việc uỷ quyền trong trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức để bảo đảm thực hiện tranh tụng cũng như thời gian giải quyết vụ án hành chính; sửa đổi, bổ sung quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho việc thực hiện tranh tụng cũng như thuận lợi cho các chủ thể tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án hành chính; bổ sung nguyên tắc xử lý đối với người tham gia tố tụng vi phạm nghĩa vụ trong tố tụng hành chính mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cản trở hoạt động tố tụng của Toà án.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) - Ảnh: TTXVN |
Dự luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về nghĩa vụ, thời hạn giao nộp chứng cứ; quyền tiếp cận, trao đổi chứng cứ của đương sự; về xác minh, thu thập chứng cứ, về trưng cầu giám định, định giá, thẩm định giá tài sản nhằm bảo đảm để các bên thực hiện quyền tranh tụng và trách nhiệm của Toà án trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, chính xác, đúng pháp luật.
Nên giữ nguyên quy định hiện hành về khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật tố tụng hành chính, các quan điểm chỉ đạo, yêu cầu của việc xây dựng dự án Luật tố tụng hành chính được nêu trong Tờ trình. Tuy nhiên, Ủy ban lưu ý, đây là dự án Luật sửa đổi, bổ sung, vì vậy cần quán triệt quan điểm chỉ những vấn đề nào bất cập trong thực tiễn, đã có sự tổng kết, đánh giá tác động cụ thể, rõ ràng thì mới sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các vụ án hành chính.
Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với loại ý kiến cho rằng nên giữ nguyên các quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành về thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của Tòa án nhân dân. Ủy ban đề nghị không quy định chi tiết, cụ thể danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao trong Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) mà quy định trong các văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh, ngoại giao…
Ủy ban cũng tán thành với việc loại trừ các khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án ra khỏi đối tượng khởi kiện các vụ án hành chính như quy định trong dự thảo Luật.
Về phân định thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đa số ý kiến trong Ủy ban không ủng hộ việc mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo Luật. Vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, đồng thời không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính.
Về thủ tục rút gọn, Ủy ban tán thành đưa quy định này vào dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định về các trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm theo thủ tục rút gọn; bản án quyết định theo thủ tục rút gọn có hiệu lực pháp luật bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hủy và giao hồ sơ cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm giải quyết lại vụ án, thì trường hợp nào tiếp tục được áp dụng thủ tục rút gọn; trường hợp nào được giải quyết theo thủ tục thông thường.