Tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hà Nội: Coi trọng chất lượng "đầu vào"

Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:12, 28/05/2015

(HNM) - Hai tuần nữa, khoảng 80 nghìn học sinh (HS) sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016.

Hà Nội đã có tiêu chí tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2015 - 2016. Ảnh: Nhật Nam


Nhiều lựa chọn cho học sinh

Đa dạng hóa các loại hình trường, lớp học là một trong những mục tiêu, cũng là giải pháp được ngành GD-ĐT Hà Nội duy trì thực hiện trong nhiều năm gần đây, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của mọi HS. Tùy theo năng lực và điều kiện học tập, sau khi tốt nghiệp THCS, HS có thể đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên, trường THPT chuyên. Hà Nội hiện có 4 trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên, gồm: Hà Nội - Amsterdam, Chu Văn An, Nguyễn Huệ và Sơn Tây. Lượng HS đăng ký dự tuyển vào các trường này chiếm khoảng 1/10 tổng số HS tốt nghiệp THCS mỗi năm. Ngoài ra, HS có thể lựa chọn theo học tại 4 loại hình trường, gồm: Trường THPT công lập, trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường trung cấp chuyên nghiệp.

Để bảo đảm sự phát triển cân đối giữa các loại hình trường, chỉ tiêu giao cho các trường THPT công lập hằng năm chiếm khoảng 60-70% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của toàn thành phố, số còn lại được phân bổ cho các loại hình trường kia. Với những ưu thế về học phí, hầu hết phụ huynh, HS thường dành sự ưu tiên cao đối với các trường THPT công lập. Một số phụ huynh chưa thực sự yên tâm với chất lượng đào tạo của trường ngoài công lập, nên chỉ khi con em không thi đỗ được vào trường công lập mới nghĩ đến những lựa chọn khác. Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Địa bàn nào cũng có đủ loại hình trường đáp ứng nguyện vọng học tập của HS và ở loại hình nào cũng có nhiều trường uy tín, có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Thực tế nhiều năm qua cho thấy không hiếm trường ngoài công lập có "đầu vào" là những HS có điểm thi loại khá, giỏi; một số trường còn không đáp ứng hết nhu cầu gửi con theo học của phụ huynh. Hà Nội ngày càng có thêm nhiều gương điển hình về học tập, nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế đến từ HS không thuộc hệ thống trường công lập.

Nhằm tạo thuận lợi cho HS, thời gian tuyển sinh của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp chuyên nghiệp thường kéo dài đến gần hết tháng 7, dài hơn nửa tháng so với trường công lập. Sau khi kết thúc thời gian tuyển sinh của các trường công lập (vào ngày 6-7), HS có thể nộp đơn dự tuyển vào loại hình trường còn lại. Những HS không dự thi đủ số môn quy định (do bị ốm hoặc lý do đột xuất) vẫn có thể dự tuyển vào học lớp 10 THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Phương thức tuyển sinh chung là xét tuyển, tức là chỉ xét kết quả học tập, rèn luyện của HS ở cấp THCS và điểm cộng thêm, nếu có.

Kiểm soát chặt "đầu vào"

Mặc dù tạo điều kiện cho HS có nhiều cơ hội lựa chọn học tiếp sau khi tốt nghiệp THCS bằng sự đầu tư mở rộng quy mô mạng lưới, phát triển đa dạng hệ thống trường lớp song Hà Nội vẫn kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục bằng việc kiểm soát chặt chẽ "đầu vào" của các trường THPT. Trước khi giao chỉ tiêu 2 tháng, Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra điều kiện tuyển sinh tại tất cả các trường THPT.

Với trường ngoài công lập, đây là năm thứ hai Hà Nội áp dụng quy định về điều kiện tuyển sinh lớp 10 gồm 5 tiêu chuẩn, lấy đó làm căn cứ để giao chỉ tiêu, trong đó có 3 tiêu chuẩn quan trọng gồm: Tổ chức bộ máy và đội ngũ, tài chính, cơ sở vật chất. Nếu thiếu 1 trong 3 tiêu chuẩn này là không đạt yêu cầu và không được giao chỉ tiêu. Không phải ngẫu nhiên mà các tiêu chuẩn này được liệt vào dạng "không thể thiếu". Thực tế cho thấy trong vài năm trước, trên địa bàn thành phố đã từng xảy ra tình trạng có trường bị dừng hợp đồng thuê địa điểm đột xuất khiến HS suýt rơi vào cảnh bơ vơ vào thời điểm giữa năm học nếu như không có sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý.

Tám trường THPT không được giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2015-2016 đã được công khai để phụ huynh, HS biết, tránh tình trạng cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của HS. Với phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển (điểm học tập, rèn luyện của HS ở cấp THCS), trong đó, phần xét tuyển chiếm 1/3 tổng điểm, nên dù đến ngày 11-6 mới diễn ra kỳ thi, song kết quả phần xét tuyển của HS ở 4 năm cấp THCS đã được hoàn thành và công khai với sự giám sát chặt chẽ, không xảy ra khiếu nại. Việc kiểm tra chéo hồ sơ của HS lớp 9 đã được triển khai tại hơn 600 trường THCS trên địa bàn thành phố.

Dữ liệu về hồ sơ đăng ký dự tuyển được công bố ngày 23-5 vừa qua cho thấy, trong số 105 trường công lập, Trường THPT Kim Liên có số lượng hồ sơ đăng ký cao gấp 3 lần chỉ tiêu (tức là 3 chọi 1), 11 trường có số lượng đăng ký cao gấp 2 lần chỉ tiêu. Căn cứ vào dữ liệu này, HS được phép đổi nguyện vọng dự tuyển. Với những giải pháp đồng bộ, kiên quyết và tạo thuận lợi tối đa cho HS, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định HS ở mọi địa bàn có thể yên tâm lựa chọn nơi học phù hợp với điều kiện gia đình và năng lực học tập của mình. Sự cạnh tranh ở một kỳ thi tuyển sinh là điều tất yếu, nhưng HS, phụ huynh không nên quá lo lắng bởi các em có nhiều cơ hội học tập để lựa chọn.

Thống Nhất