Tăng trách nhiệm, giải quyết dứt điểm
Chính trị - Ngày đăng : 05:55, 28/05/2015
Mỗi đại biểu đều thực hiện mở rộng dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri phản ánh kiến nghị, nguyện vọng kịp thời qua nhiều kênh. Riêng từ năm 2011 đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ thành phố, quận, huyện, thị xã tổ chức 14 đợt tiếp xúc cử tri (TXCT) trước và sau các kỳ họp của HĐND thành phố. Qua các cuộc TXCT này, cử tri Thủ đô đã gửi đến Thường trực HĐND thành phố 2.391 kiến nghị thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của thành phố. Ngoài ra, các cấp HĐND thành phố cũng tiếp nhận đơn thư do các tổ chức, cá nhân trực tiếp gửi về HĐND, gửi qua đại biểu HĐND tại các cuộc giám sát, làm việc tại địa phương, từ bưu điện chuyển đến,… và tổng hợp từ MTTQ và các đoàn thể.
Sau khi tiếp nhận đơn thư, phản ánh, Thường trực HĐND chỉ đạo văn phòng tiếp thu, tập hợp đầy đủ, phân loại, kịp thời chuyển tới UBND và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, trả lời. Đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố như: Cần tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn, tăng cường và nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát, tiếp công dân và quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố…, HĐND tiếp thu, chỉ đạo các ban HĐND và văn phòng rà soát, từng bước thực hiện. Đối với nhóm các kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND thành phố và các cơ quan liên quan,Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo tổng hợp chuyển đến UBND thành phố để nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời cử tri. Đồng thời gửi báo cáo trả lời đến Thường trực HĐND thành phố để thông báo đến cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri tiếp theo, thực hiện giám sát theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt cho biết, ngoài việc tiếp nhận, tổng hợp, phân loại và chuyển các kiến nghị của cử tri đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, Thường trực HĐND cũng giao trách nhiệm cho các ban và văn phòng (trực tiếp là phòng công tác tiếp công dân) thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng việc xem xét, trả lời kiến nghị của cử tri. Cùng với đó, Thường trực HĐND tổ chức giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị đã được các cơ quan trả lời cử tri. Nổi bật là năm 2014, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức cuộc giám sát tình hình, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ (2011) đến nay. Qua giám sát cho thấy, trong số 1.796 kiến nghị thuộc thẩm quyền của thành phố (tính từ kỳ họp thứ nhất đến kỳ họp thứ tám), đã xem xét, trả lời kịp thời, đầy đủ 1.517 kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp HĐND. Còn 279 kiến nghị của cử tri tại kỳ TXCT trước và sau kỳ họp thứ tám, đã được UBND thành phố giao trách nhiệm cho các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố nghiên cứu, giải quyết, tham mưu.
Bên cạnh kết quả đạt được thì việc giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Đó là một số tổ đại biểu HĐND thành phố chưa phối hợp tốt với Thường trực HĐND quận, huyện, thị xã trong công tác tổng hợp, nhất là việc sàng lọc, phân loại kiến nghị của cử tri tại các cuộc TXCT. Một số kiến nghị nội dung chưa rõ, hoặc kiến nghị đã được giải quyết, trả lời nhưng vẫn được tổng hợp dẫn đến trùng lặp. Nội dung trả lời của UBND thành phố đối với một số kiến nghị của cử tri chưa đạt chất lượng, còn chung chung, chưa nêu rõ phương hướng và lộ trình giải quyết. Một số vấn đề cử tri kiến nghị liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; cấp nước sạch, thoát nước đô thị; xử lý ô nhiễm môi trường; xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị; quản lý hành chính tại các khu đô thị; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thu hồi đất của các dự án chậm triển khai; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; bảo hiểm y tế… đã được UBND thành phố xem xét, trả lời, nhưng chưa được các sở, ngành quan tâm đúng mức...
Mong rằng, tới đây, trong công tác phối hợp, HĐND các cấp trên địa bàn TP Hà Nội và các sở, ngành cần liên thông hiệu quả hơn, giải quyết hiệu quả kiến nghị của cử tri. Mỗi đại biểu HĐND cũng cần tăng trách nhiệm, cùng cử tri đeo bám đến cùng các vấn đề, nhất là quan tâm đôn đốc các cơ quan chức năng trả lời cụ thể, kịp thời. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Quốc hội sớm nghiên cứu ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giám sát của HĐND, trong đó quy định cụ thể hơn về công tác tổ chức tiếp xúc cử tri, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, có chế tài cụ thể về giải quyết kiến nghị của cử tri...