Người cán bộ lãnh đạo gần gũi với nhân dân Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 05:50, 28/05/2015
Đồng chí Hoàng Quốc Việt (tên thật là Hạ Bá Cang), sinh ngày 28-5-1905, trong một gia đình công nhân tại Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (ngày nay là phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh). Năm 1925, khi vừa tròn 20 tuổi, đồng chí bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với việc tham gia phong trào bãi khóa và biểu tình phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình nhà yêu nước Phan Bội Châu. Bị đuổi học, Hoàng Quốc Việt đi làm công nhân ở nhiều nơi. Năm 1928, tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Năm 1929, hoạt động cách mạng bị lộ, đồng chí được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động bí mật.
Mùa xuân năm 1930, trên đường đi dự hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Hoàng Quốc Việt bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, kết án chung thân và bị đày đi Côn Đảo. Tại Hội nghị lần thứ nhất của Đảng (10-1930), dù vẫn bị giam trong tù nhưng đồng chí được tín nhiệm cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Năm 1936, được trả tự do, đồng chí về hoạt động cách mạng ở Hà Nội, tham gia tòa soạn Báo Le Travail (Lao động) xuất bản bằng tiếng Pháp - tờ báo công khai của Đảng ta. Tháng 3-1937, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng một số đồng chí lãnh đạo của Đảng được cử tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí đã xây dựng, khôi phục tổ chức Đảng và các tổ chức cách mạng, lập Hội Nông dân cứu quốc vùng quanh Hà Nội với nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong giai đoạn 1939-1945, đồng chí đã tổ chức nhiều cơ sở cách mạng và lãnh đạo phong trào đấu tranh ở địa bàn Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây…
Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, họp tại Cao Bằng đã khẳng định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng lúc này là giải phóng dân tộc. Để thực hiện nhiệm vụ trên, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xây dựng vùng xung quanh Hà Nội thành An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, bao gồm các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Kim Anh và Đa Phúc (nay là huyện Sóc Sơn), Thanh Oai, Thanh Trì, Ứng Hòa… Tháng 10-1939, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng Xứ ủy đã quyết định chọn vùng nam Hoài Đức như: Vạn Phúc, La Cả, Ngọc Trục, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Yên Lộ là nơi đóng cơ quan của Xứ ủy. Được sự giúp đỡ của Xứ ủy, đặc biệt là đồng chí Hoàng Quốc Việt, nhiều cán bộ cơ sở được dìu dắt trở thành đảng viên, cán bộ cách mạng...
Tháng 6-1942, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy Hà Đông đã về Ứng Hòa nắm tình hình, nhằm xây dựng nam Ứng Hòa thành An toàn khu để bảo vệ cơ quan Xứ ủy. Từ khi trở thành An toàn khu của Xứ ủy, phong trào cách mạng ở Ứng Hòa phát triển mạnh, tập hợp được đông đảo nhân dân lao động, đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng nhanh chóng trưởng thành, nhất là về công tác vận động quần chúng. Khi ở nam Ứng Hòa, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ cốt cán tại chùa Trầm Lộng, Tảo Khê để bồi dưỡng chính trị và phương pháp công tác cho đảng viên ở Ứng Hòa, Mỹ Đức. Tháng 8-1942, địch phát hiện An toàn khu của Xứ ủy ở nam Ứng Hòa, chúng ra sức dò tìm. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đang dự lớp tập huấn về công tác phụ vận tại Trầm Lộng, được cán bộ, quần chúng bảo vệ thoát khỏi sự truy bắt của địch. Trong giai đoạn cách mạng tiếp theo, đồng chí cùng Trung ương Đảng tham gia chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành thắng lợi.
Ngay từ những ngày cách mạng nước ta còn trong trứng nước, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đến với phong trào công nhân và là người thuộc thế hệ công nhân cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Quá trình phấn đấu, cống hiến và trưởng thành của đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn gắn liền với sự phát triển lớn mạnh của phong trào công nhân, Công đoàn Việt Nam. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu (19-12-1946), theo sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, lực lượng công nhân lao động đóng vai trò nòng cốt trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Hơn 70% quân số trong lực lượng tự vệ chiến đấu ở Thủ đô là công nhân lao động. Khi ánh đèn Nhà máy điện Yên Phụ phụt tắt làm tín hiệu để cuộc chiến đấu bắt đầu, bên cạnh đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch, ta đã tháo gỡ máy móc, nguyên vật liệu chuyển ra nơi tập kết. Công đoàn Hà Nội thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt đã vận chuyển máy móc, nguyên vật liệu lên chiến khu… Đây là cơ sở quan trọng để hình thành nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam thời kỳ kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt thường xuyên xuống các nhà máy, xí nghiệp kiểm tra, đôn đốc, động viên công nhân tích cực tham gia sản xuất ra nhiều sản phẩm phục vụ kháng chiến, đồng thời viết thư gửi anh chị em lao động vùng bị tạm chiếm đoàn kết chống áp bức.
Tại Đại hội II Đảng Cộng sản Việt Nam (1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, phụ trách công tác Dân vận - Mặt trận, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Trên cương vị này, ngày 15-7-1954, đồng chí Hoàng Quốc Việt gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh xin phép vào nội thành Hà Nội trực tiếp lãnh đạo phong trào công nhân, đấu tranh giữ lại thiết bị, máy móc không để thực dân Pháp phá hoại hoặc đem đi... và giành nhiều thành quả quan trọng. Thực hiện kế hoạch 3 năm (1954 - 1957) về khôi phục và phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước xác định phương hướng chủ yếu là xây dựng công nghiệp nhẹ, sản xuất những thứ dễ làm, ít vốn, sản xuất nhanh, phục vụ trực tiếp nhu cầu đời sống nhân dân. Nhằm động viên và giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, điển hình là Thủ đô Hà Nội, đồng chí đã đến 30 cơ sở sản xuất tư nhân để lắng nghe chủ doanh nghiệp và người lao động phát biểu về những thuận lợi và khó khăn trong sản xuất...
Năm 1960, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội (khóa II) đồng chí được bầu làm Viện trưởng Viện KSND Tối cao, là Viện trưởng đầu tiên của ngành kiểm sát nước ta. Trên cương vị công tác mới, đồng chí Hoàng Quốc Việt xây dựng nguyên tắc và nổi tiếng về xét xử công minh, giải quyết nhiều vụ việc có tình, có lý, sát hợp với lòng người, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, thói làm ăn tắc trách, hời hợt, thiếu đào sâu suy nghĩ. Đồng chí Hoàng Quốc Việt sớm phát hiện những dấu hiệu không lành mạnh trong xã hội, không ngừng và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, cải tạo những kẻ thoái hóa biến chất, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và bảo vệ đội ngũ cán bộ của Đảng. Trong 16 năm làm Viện trưởng Viện KSND Tối cao (1960 - 1976) đồng chí Hoàng Quốc Việt đã dồn cả sức lực, trí tuệ cùng tập thể lãnh đạo xác định quan điểm, đường lối, nhiệm vụ của Viện KSND; xây dựng đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, của nhân dân…
Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tiếp thu và thực hiện xuất sắc những tư tưởng cách mạng của Bác Hồ. Trong cuốn hồi ký "Con đường theo Bác", đồng chí viết: "... Bài học đầu tiên mà Bác dạy cho chúng tôi là bài học "tư tưởng người cách mạng". Ai không có tư cách hoặc không đủ tư cách không thể làm cách mạng, làm cán bộ. Kẻ tuy mẫn tiệp, nhưng ích kỷ nhỏ nhen hoặc kẻ hào phóng, nhưng đầu óc u tối, đều không thể đứng trong đội ngũ tiên phong. Tư cách người cách mạng mà Bác dạy cho chúng tôi bao gồm những phẩm chất và năng lực, lòng vị tha và tình bác ái".
Tất cả những người đã từng cộng tác hoặc tiếp xúc với đồng chí Hoàng Quốc Việt trong giai đoạn gần 70 năm hoạt động cách mạng của đồng chí, trên các cương vị, đều có chung ấn tượng sâu sắc về hình ảnh của một đảng viên bất khuất, kiên trung, liêm khiết, có tác phong bình dị, chân thành và cởi mở, đặc biệt quan tâm đến người lao động; một đồng chí lãnh đạo có tính nguyên tắc cao nhưng cũng rất linh hoạt, sắc sảo, nghiêm khắc, khoan dung. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn luôn đi sâu, đi sát thực tiễn, hòa mình vào nhân dân, dựa vào nhân dân, gắn bó với nhân dân, được nhân dân tin yêu. Những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài học quý về công tác vận động nhân dân, gắn bó Đảng với nhân dân. Bằng việc kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa với tính nguyên tắc, lập trường cách mạng kiên định của người cộng sản, quan điểm, tư tưởng về pháp chế xã hội chủ nghĩa của đồng chí Hoàng Quốc Việt thể hiện nhãn quan chính trị sắc bén và tấm lòng nhân hậu, vì Ðảng, vì dân.