Giá xăng tăng: Hàng hóa chịu áp lực
Kinh tế - Ngày đăng : 06:35, 27/05/2015
Trong tháng 5-2015, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng 0,3% so với tháng 4. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 3 tháng qua sau 5 tháng giảm liên tục trước đó (CPI tháng 3 tăng 0,16%, tháng 4 tăng 0,03%). Nguyên nhân chính là các nhóm hàng điện nước và giao thông tăng mạnh do tác động của các đợt tăng giá điện vào giữa tháng 3-2015 và giá xăng dầu tăng 1.950 đồng/lít vào ngày 5-5. Tuy vậy, do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,06%, thực phẩm cũng giảm giá 0,17% so với tháng 4 nên mức tăng chung của tháng nằm ở mức 0,3%.
Người tiêu dùng đang lo một đợt tăng giá mới theo giá xăng. |
Khảo sát tại các chợ bán lẻ trên địa bàn, các mặt hàng thịt, cá vẫn giữ giá ổn định; riêng các loại rau ăn lá đã và đang tăng giá. Dù vậy, theo các tiểu thương tại các chợ Hòa Hưng (Quận 10), Nguyễn Văn Trỗi (Quận 3), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)… thì các mặt hàng tăng giá gần đây chưa phải do giá xăng tăng mà chủ yếu do yếu tố cung - cầu, nhu cầu tiêu dùng rau xanh mùa nắng nóng nhiều hơn trong khi lượng rau về chợ ít hơn. Cụ thể, khi nguồn rau Đà Lạt bị hụt vào đầu tháng 5 do bị ảnh hưởng thời tiết, mưa đá thì các nhà cung cấp nông sản Đà Lạt tươi sống đã thông báo tăng giá 20-30% các loại rau như tần ô, cải xanh, xà lách, bó xôi… Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cũng xác nhận lượng hàng nông sản về chợ đầu mối này gần đây có giảm nhẹ so với trước, dưới 3.000 tấn/ngày, đêm trong khi trước đó là hơn 3.000 tấn. Trời nắng nóng cũng khiến nhiều loại quả giải nhiệt như chanh, cam, bưởi giữ mức giá cao: Chanh 40.000 đồng - 50.000 đồng/kg, cam sành 40.000 đồng -50.000 đồng (loại 3-4 quả/kg)… Phản ánh của nhiều đại lý nước ngọt cũng cho biết, các loại nước ngọt giao cũng tăng giá 1.000 - 2.000 đồng/thùng do thời tiết nắng nóng.
Trong khi đó, sau đợt tăng giá xăng lần thứ hai vào ngày 20-5 với mức 1.200 đồng/lít, hiện nhiều siêu thị khẳng định giá cả vẫn giữ nguyên, không tăng theo giá xăng. Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing của Saigon Co.op cho biết, hiện đơn vị này chưa nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng của hệ thống siêu thị Big C cũng cho biết tương tự. Không chỉ không tăng giá, các siêu thị còn đẩy mạnh khuyến mãi nhằm kích thích sức mua đang yếu. Hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra công bố đợt giảm giá thứ hai trong tháng 5 với hai chương trình khuyến mãi là "Rộn ràng tết Thiếu nhi" và "Giải nhiệt mùa hè" áp dụng giảm giá đến 50% cho 1.600 sản phẩm. Ngoài các sản phẩm cho thiếu nhi, 3 nhóm hàng hóa khác gồm: Thực phẩm tươi sống, các loại nước giải khát và quạt máy cũng được giảm giá mạnh. Hệ thống siêu thị Big C cũng có hai chương trình khuyến mãi là "Ngày hội trẻ thơ" và "Cơn lốc công nghệ" áp dụng giảm giá 5-49% cho hơn 1.500 mặt hàng gồm các sản phẩm dành cho trẻ em và nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Theo ông Võ Hoàng Anh, nhằm tiếp tục hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm trong bối cảnh giá cả thị trường đang bị áp lực tăng theo giá xăng, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp để kiểm soát hợp lý, chặt chẽ các yêu cầu tăng giá nếu có, trên tinh thần giảm và giữ giá để vừa bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng vừa kích sức mua.
Trao đổi về vấn đề giá cả sau khi hai yếu tố đầu vào là điện và xăng đã tăng giá mạnh, nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí sản xuất đã tăng, tuy nhiên với sức mua yếu như hiện nay thì các doanh nghiệp chưa dám tăng giá mà đang nỗ lực tiết kiệm, cắt giảm những chi phí không cần thiết. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng, với mức tăng xăng và điện như hiện nay thì khó có thể kiềm chế giá hàng hóa tăng trong thời gian tới.