Nỗ lực góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:01, 27/05/2015
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu đặt tại ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, có tổng công suất 1.200MW gồm 2 tổ máy (2x600MW), diện tích xây dựng 115ha do Tập đoàn PVN làm chủ đầu tư, Ban QLDA Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 là đại diện chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý dự án. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm tổng thầu EPC. Đây là một trong các dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng các công trình điện cấp bách theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg (ngày 11-12-2013) của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là một trong ba nhà máy nhiệt điện của Trung tâm Điện lực Sông Hậu với tổng công suất 5.200 MW. Tổng mức đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu l khoảng 43.043 tỷ đồng (tương đương 2,046 tỷ USD). Nguồn vốn của dự án với 30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay tín dụng xuất khẩu (ECA) và vay thương mại khác.
Khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Trần Hải |
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 là nhà máy nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu than, thông số hơi trên tới hạn và có tái sấy, công nghệ lò đốt than phun, với các chỉ tiêu cao về hiệu suất, tính sẵn sàng, độ ổn định, an toàn và bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường do áp dụng các công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiện đại như lọc bụi, giảm NOx, khử SOx và xử lý nước thải…
Hằng năm, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 tiêu thụ khoảng 3 triệu tấn than. Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ thi công dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính như giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, hệ thống cấp điện thi công, hệ thống cấp nước thi công, bờ kè sông đáp ứng yêu cầu sẵn sàng triển khai nhà máy chính.
Theo Tập đoàn PVN, dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực điện của ngành dầu khí Việt Nam định hướng đến năm 2030. Việc triển khai thực hiện dự án sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong giai đoạn xây dựng và hàng trăm lao động trong giai đoạn vận hành chưa kể các dịch vụ kèm theo. Dự kiến, sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành từ năm 2019, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Có thể nói, Tập đoàn PVN đã có những nỗ lực vượt bậc, khắc phục khó khăn để triển khai dự án theo đúng tiến độ đã cam kết. Điều này mang lại ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, góp phần thiết thực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây là dự án có tính trọng điểm trong chiến lược phát triển lĩnh vực điện của ngành dầu khí Việt Nam nói riêng, trong quy hoạch điện quốc gia nói chung nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng của khu vực phía Nam. Vì thế, chủ đầu tư, tổng thầu cũng như các bên liên quan phối hợp đồng bộ, tập trung cao độ các nguồn lực để bảo đảm tiến độ dự án, hoàn thành xây dựng và đưa dự án phát điện thương mại tổ máy số 1 và 2 theo đúng kế hoạch. Mặt khác, Tập đoàn PVN cần chú ý vấn đề chất lượng công trình, các yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng như tối ưu hóa chi phí để dự án đạt hiệu quả cả về kinh tế lẫn đời sống xã hội ở khu vực.
Với sứ mệnh quan trọng này, lãnh đạo Tập đoàn PVN cũng đã cam kết sẽ phối hợp, đôn đốc tổng thầu LILAMA, nhà thầu cung cấp thiết bị chính Doosan, tư vấn quản lý dự án và các đơn vị liên quan tập trung cao độ các nguồn lực để có thể bảo đảm tiến độ của dự án, hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào phát điện thương mại tổ máy số 1 và 2 trong năm 2019, đồng thời thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, các yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng như tối ưu hóa chi phí để dự án đạt được hiệu quả về cả hai mặt kinh tế và đời sống xã hội. Tập đoàn PVN sẽ phát huy tối đa tiềm năng, những thành tựu và kinh nghiệm đã có để thúc đẩy triển khai các dự án của tập đoàn nói chung, với mục tiêu từng bước nội địa hóa, ưu tiên sử dụng dịch vụ của các đơn vị trong nước, góp phần quan trọng trong công cuộc CNH-HĐH phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.