Chuyện quản lý: Nỗi lo nợ công

Kinh tế - Ngày đăng : 05:57, 27/05/2015

(HNM) - Trong tuần đầu làm việc của kỳ họp Quốc hội lần này, các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách nhà nước năm 2014 và quý I-2015 đã được công bố, trong đó có đề cập đến vấn đề nợ công.


Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung việc thực hiện NSNN năm 2014, dự toán NSNN năm 2015 đề cập về nợ công như sau: Tính đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 59,6% GDP; dư nợ Chính phủ bằng 47,4% GDP; dư nợ nước ngoài bằng 40,3% GDP, trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại lưu ý rằng, nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao. Năm 2015, dự báo nghĩa vụ trả nợ ở mức cao... Khả năng thu chi ngân sách như báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội là tổng số thu năm 2014 đã tăng 10,3% (80.820 tỷ đồng) so với dự toán, tăng 17.120 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Cân đối với tổng mức chi thì bội chi ngân sách vẫn ở mức 5,3% GDP. Nghĩa là nợ công và nghĩa vụ trả nợ vẫn trong giới hạn an toàn?

Đại diện Bộ Tài chính lại tái khẳng định độ an toàn này bằng việc phân tích tình hình 4 tháng đầu năm 2015, Chính phủ mới chỉ bố trí 52.700 tỷ đồng để trả nợ (chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách). Trong khi đó, theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế thì chỉ số này vượt ngưỡng 30% mới được coi là không an toàn… Tuy nhiên, thống kê của ngành chức năng đưa ra mới chỉ là con số tính đến hết quý I-2015 - khoảng thời gian rất ngắn so với 3 quý còn lại của năm nay và việc phát hành TPCP để lấy tiền đầu tư và đảo nợ sẽ khó hơn do kênh này không còn hấp dẫn nữa, nhất là trong điều kiện phát hành TPCP dài hạn không phù hợp với nhu cầu thị trường…

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nghĩa vụ trả nợ tăng từ 22,3% thu ngân sách (năm 2013) lên đến mức dự kiến 26,2% (năm 2014) và dự báo 31% (năm 2015). Mặt khác, cơ quan này cũng đã sớm chỉ ra rằng, ước tính năm 2015, Chính phủ phải vay đảo nợ khoảng 130.000 tỷ đồng, sát với thực tế được lãnh đạo Bộ Tài chính công bố là 135.000 tỷ đồng, trong điều kiện phát hành TPCP rất khó khăn, thì cơ sở nào để tỷ lệ trả nợ/thu ngân sách có điều kiện giảm? Như vậy, với khả năng thu chi ngân sách như hiện nay, thì vấn đề nợ công liệu có yên tâm?

Kính Lúp