Thiếu cơ chế bảo đảm tỷ lệ nữ trong Chính phủ
Xã hội - Ngày đăng : 20:54, 26/05/2015
ĐBQH Bùi Thị An. Ảnh: Vietnamnet |
- Trong Hiến pháp mới vừa được ban hành, có một chương đề cập về quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ. Trước đó Việt Nam cũng đã ban hành Luật Bình đẳng giới. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng công tác bình đẳng giới ở Việt Nam chưa như kỳ vọng. Quan điểm của bà thế nào?
- Phụ nữ Việt Nam chiếm trên một nửa dân số, đặc biệt chiếm tỷ lệ cao trong lao động ở vùng nông thôn hiện nay. Trong suốt thời gian qua, công tác bình đẳng giới cũng đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, tôi cho rằng, căn cứ vào tiềm năng, thực lực của nữ giới hiện nay, quả là chúng ta chưa phát huy hết khả năng của nữ giới. Để tăng cường hơn nữa công tác bình đẳng giới phải tăng vị trí của nữ giới trong những cơ cấu được ra quyết định, các vị trí lãnh đạo.
- Một trong những minh chứng điển hình là Việt Nam vẫn chưa đạt được các mục tiêu về số lượng phụ nữ trong Chính phủ, các cơ quan dân cử phải không thưa bà?
- Đúng là trong cơ cấu thành viên Chính phủ, tỷ lệ nữ chiếm rất ít. Trong 26 thành viên kể cả thành viên Chính phủ, các Bộ và ngang Bộ mới chỉ có 2 nữ Bộ trưởng (Bộ Y tế và Bộ Lao động Thương binh Xã hội). Không phải do không có người đảm trách được công việc. Thực tế, có rất nhiều người có tầm và đủ năng lực để đảm trách các vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên có thể do việc bồi dưỡng chưa được chú trọng; hơn nữa vì tuổi lao động của người phụ nữ bị hạn chế nên khi quy hoạch bị đẩy lùi. Các vị trí cùng tham gia ứng cử như nhau nhưng tuổi quy hoạch của nữ đều phải đẩy trước 5 năm, yêu cầu phải làm đầy đủ trọn vẹn một nhiệm kỳ. Đây là điểm mấu chốt khiến nữ giới khó tham gia các vị trí lãnh đạo. Nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ gây hạn chế cho công tác bình đẳng giới ở Việt Nam.
- Bà cho rằng làm thế nào để Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa về bình đẳng giới?
- Trước hết phải quy định rõ tỷ lệ nữ giới, trong Quốc hội, đảm bảo ít nhất là 30%. Tương tự, trong Chính phủ cũng phải có nhiều nữ hơn nữa. Tuy coi trọng việc tăng tỉ lệ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhưng không nên đạt chỉ tiêu bằng mọi giá mà phải đặt đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng, đào tạo nguồn cán bộ nữ với tầm nhìn dài hạn. Vì với đội ngũ công chức, viên chức nữ trẻ đang rất dồi dào và có đầu vào tốt như hiện nay, việc tập trung nâng cao năng lực, trang bị các kiến thức, kỹ năng mềm đáp ứng được yêu cầu của vị trí, chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ tạo nền tảng tham chính bền vững. Để đạt mục tiêu tăng tỷ lệ nữ làm công tác quản lý, cũng cần bổ sung thêm một điều quy định Chính phủ có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo điều hành công tác bình đẳng giới ở Việt Nam ngay trong dự thảo Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi. Khi đã có cơ quan chịu trách nhiệm điều hành công tác bình đẳng giới, mô hình hình chóp trong phát triển tỷ lệ nữ giới trong các vị trí lãnh đạo sẽ càng sớm được xóa dần.