Không bỏ án tử hình bằng mọi giá
Chính trị - Ngày đăng : 14:29, 26/05/2015
Tại tổ Hà Nội, các đại biểu đều nhất trí với việc phải sửa đổi Bộ luật Hình sự để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Theo các đại biểu, việc sửa đổi luật là cần thiết vì có một số loại tội phạm trong luật hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, đồng thời cũng xuất hiện một số loại tội phạm mới cần phải được điều chỉnh.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, dự luật được trình chưa đáp ứng được các nguyên tắc sửa đổi đặt ra.
“Triết lý sửa đổi luật lần này là tiếp tục dân chủ hóa hơn nữa, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, trên cơ sở tổng kết kỹ thực tiễn để sửa đổi, khắc phục cơ bản những lúng túng, lạm dụng của thực tiễn, phúc đáp được trào lưu chung quốc tế. Nhưng dự luật được trình chưa đáp ứng được các yêu cầu này, khi thẩm tra, chúng tôi cảm thấy như bị hụt hẫng”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói.
Theo đại biểu Quyền, việc phân công Bộ Tư pháp soạn thảo dự luật này là chưa thực sự phù hợp vì ở nước ta, Bộ Tư pháp không có thực tiễn liên quan đến hình sự nên thực tiễn, qua nhiều lần được giao soạn thảo, sửa đổi Bộ luật Hình sự, nhiều vấn đề của ngày hôm nay đã được đặt ra từ nhiều năm trước vẫn cứ lặp đi lặp lại trong các luật được trình. Theo ông, đáng lẽ nên giao cho VKNDS hoặc TAND soạn thảo luật này thì phù hợp hơn.
Đại biểu Quyền cũng lưu ý, một số nội dung sửa đổi quan trọng chưa được đề cập đến trong dự luật như việc chia lại khung hình phạt; phân loại tội phạm; định lượng các khái niệm “rất lớn”, “đặc biệt lớn”, “nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”…
Liên quan đến việc bổ sung một số tội danh mới vào luật, đại biểu Đinh Xuân Thảo lưu ý thêm, đây là việc cần thiết để đáp ứng thực tế đấu tranh tội phạm, nhưng việc bổ sung phải dựa trên cơ sở tổng kết đầy đủ việc thi hành Bộ luật Hình sự hiện hành, tránh phản ánh tình hình trước mắt mà làm mất đi tính ổn định của luật.
Về bỏ án tử hình với một số tội danh, đối tượng, đại biểu Bùi Thị An, Trần Thị Quốc Khánh, Phạm Huy Hùng, Nguyễn Đình Quyền phản đối việc bỏ án tử hình với tội phá hoại hòa bình và xâm phạm chiến tranh, phạm tội tham nhũng, ma túy cũng như quy định không áp dụng hình phạt tử hình với người phạm tội trên 70 tuổi.
“Ai đã qua chiến tranh mới hiểu giá trị vô giá của hòa bình, khi có chiến tranh, người dân chỉ mong hòa bình để cuộc sống được bình yên, con cái được học hành. Do đó, chúng ta không thể nào cho phép bỏ mức án tử hình với tội phá hoại hòa bình và xâm phạm chiến tranh được”, đại biểu An nói.
“Chúng ta đưa quan điểm bỏ án tử hình để đáp ứng hội nhập quốc tế, nhưng chúng ta cũng nên lưu ý là các điều ước quốc tế đều có quy phạm tùy nghi và bắt buộc, không nhất thiết quốc tế cấm thì ta phải bỏ. Chúng ta không nên bỏ án tử hình bằng mọi giá để phúc đáp yêu cầu quốc tế, mà phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn đất nước, theo hướng giảm dần hình phạt tử hình”, đại biểu Quyền nói.
“Với tội phạm tham nhũng, thực tế đã có trường hợp người bị kết án án tử hình, sau đó được giảm án còn 20 năm, rồi 15 năm… Tôi cho rằng chúng ta vẫn cần duy trì án tử hình với tội tham nhũng để có tính răn đe. Có những người vì hoàn cảnh nghèo khó phải đi buôn ma túy và nhận án tử hình, trong khi một người có chức vụ, có nhận thức cao và hiểu biết về pháp luật mà khi phạm tội tham nhũng lại không bị tử hình thì có vẻ không được công bằng”, đại biểu Chung nói.
Cùng với việc cân nhắc bỏ án tử hình, các đại biểu cũng đề nghị, tới đây, khi thi hành Bộ luật Hình sự mới, việc xem xét giảm án cần phải được siết chặt và thực hiện nghiêm, bảo đảm công bằng tuyệt đối, ai hối cải xứng đáng bao nhiêu thì được giảm bấy nhiêu, triệt tiêu các tiêu cực trong xét giảm án.
Về bổ sung quy định mới xử lý trách nhiệm hình sự với pháp nhân, đại biểu Nguyễn Đức Chung cho rằng, không nên đưa quy định này vào luật và thiết kế một chương riêng vì các hình thức xử lý với pháp nhân đã được quy định đầy đủ trong các luật khác.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho biết, hiện chúng ta chưa hoàn chính được lý luận về vấn đề này, trong khi đó trên thực tế, việc xử lý hành chính của Việt Nam với các pháp nhân không khác gì với các nước khác xử lý hình sự với pháp nhân, khác chăng là ở các nước khác ghi nhận án tích với pháp nhân, mà án tích với pháp nhân thì ít có giá trị.
“Nếu chúng ta quy định điều này thì tôi lo rằng nó sẽ là nơi ẩn náu, luồn lách của trách nhiệm cá nhân, mà đây chính là điểm nguy hiểm nhất, đặc biệt là với các tội liên quan đến lãng phí, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đại biểu Quyền nhấn mạnh.
Theo chương trình, tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ có thêm một phiên thảo luận tại hội trường để góp ý cho dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.