Từ Trường Sơn đến với Trường Sa

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:44, 26/05/2015

(HNM) - Mỗi người vào nghề bằng một cách, ít ai giống ai. Từ một thầy giáo trường làng, ông trở thành người lính công binh Trường Sơn


Vị tướng… ba cùng

Nếu cuộc đời không xoay vần thì bây giờ Thiếu tướng Hoàng Kiền vẫn là một ông giáo hiền lành chăm chỉ. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm, chàng trai Hoàng Kiền về quê Giao Thủy, Nam Định làm nghề "gõ đầu trẻ". Dạy học được hơn một năm, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy giáo trẻ xung phong vào chiến trường, làm một người lính công binh. Việc mở đường Trường Sơn xuất phát từ ý chí, quyết tâm thống nhất đất nước của cả dân tộc, một chiến lược sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chăm sóc vườn rau xanh tại đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Tống Thanh


Ông kể, đường Trường Sơn bị đánh phá ác liệt, Mỹ sử dụng nhiều loại máy bay hiện đại, những vũ khí tối tân nhất để đánh phá tuyến đường này. Nhiều đoạn đường bị bom đạn tạo thành những ổ voi, xe bộ đội ta không thể đi được. Công việc quan trọng lúc bấy giờ là khôi phục và hoàn thành tuyến đường Trường Sơn để miền Bắc chi viện cho miền Nam. Vốn có chút năng khiếu, ông được cấp trên lựa chọn đào tạo về lĩnh vực khảo sát.

Thiếu tướng Hoàng Kiền có sáu năm gắn bó với Trường Sơn và suốt một năm ròng ông chỉ đi khảo sát đường. Địa hình đồi núi càng hiểm trở hơn với chàng trai sinh ra và lớn lên ở đồng bằng. Nguy hiểm không làm chàng thanh niên Hoàng Kiền nản chí. "Lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao để mở đường nhanh nhất, khó khăn mấy cũng phải hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó, hai chữ hòa bình lúc nào cũng thường trực trong tư tưởng" - Thiếu tướng Hoàng Kiền chia sẻ.

Đội khảo sát đường được cấp trên chia thành nhiều nhóm, trung bình khoảng năm đến bảy người. Một ngày có khi phải đi bộ gần 40km đường rừng, những nơi chưa có người qua, chỉ có những vết chân của thú dữ. Mấy anh em khoác ba lô mang theo mấy gói lương khô và chai nước để đói đâu ăn đấy. Nhiều lúc cả đoàn hô lên sung sướng khi thấy quả rừng, những củ mài, củ từ mọc dại. Bộ đội thời đó cơ cực vô vàn nhưng ai nấy đều lạc quan tin tưởng vào chiến thắng.

Có những chuyến đi kéo dài cả tháng trời, những người lính Trường Sơn làm bạn với mưa, với gió… Tối đến cả đoàn mắc võng ngủ tại rừng. Vị tướng không đếm nổi mình đã nằm trong hốc đá bao đêm. Ông kể, có một lần ngủ tại rừng, sáng dậy, dọc ven bờ suối thấy chi chít những vết giày của quân phỉ Lào. Đêm đó có người đi qua nhưng trời tối nên không bị phát hiện, nếu không anh em chả ai tìm thấy xác mang về.

Chàng thanh niên có sức khỏe, có trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi việc được giao, nhanh chóng được sự tin tưởng của cấp trên, trở thành trợ lý cấp trung đoàn rồi cấp sư đoàn. Kiến thức thực tế chưa đủ, năm 1976, ông tiếp tục theo học tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Năm 1981, ông công tác tại Phòng Công binh (Quân chủng Hải quân). Từ năm 1989-1997 là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Trong thời gian 10 năm (1997-2007), ông giữ cương vị Tham mưu phó, Tham mưu trưởng rồi Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Công binh. Từ năm 2007 đến nay là Giám đốc Ban quản lý Dự án (BQLDA) đường tuần tra biên giới (dự án 47).

Dự án đường tuần tra biên giới có nhiều cái nhất như: Con đường dài nhất, địa hình hiểm trở nhất… Thiếu tướng Hoàng Kiền về đảm nhiệm chức vụ Giám đốc BQL dự án 47, ông không ngồi bàn giấy mà lặn lội cùng cán bộ biên phòng lội suối xuyên rừng, kiểm tra thi công. Mọi người thường nói với nhau rằng, ông là vị tướng 3 cùng: ăn cùng, ngủ cùng, sống cùng núi rừng bởi công tác tại Hà Nội nhưng nửa đời người biền biệt nơi núi rừng…

… và chuyện rau xanh đến với Trường Sa

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Học viện Lục quân với quân hàm Thiếu tá, ông được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83 đóng tại Đà Nẵng. Nhận nhiệm vụ công tác, ông lập tức có mặt tại Trường Sa. Trường Sa đất khô cằn, muối mặn, chẳng cây gì sống được ngoài muống biển và phong ba. Bữa ăn hằng ngày của cán bộ chiến sĩ trên đảo chỉ có đồ hộp và hải sản. Dăm thì mười họa, cán bộ từ đất liền ra thăm đảo mang theo chút rau xanh. Cả năm đằng đẵng, mỗi cán bộ chiến sĩ có khi chỉ được vài ba lần thưởng thức thứ rau khi vận chuyển ra đến đảo đã úa vàng.

Từng là lính công binh Trường Sơn nên ông hiểu nỗi khổ của các chiến sĩ trên đảo. Trong đầu ông đau đáu ý tưởng phải trồng rau xanh để cải thiện chất lượng bữa ăn, bảo đảm sức khỏe cho anh em. Nhiều lần ông mang giống rau ra đảo trồng thử nghiệm nhưng công cốc vì đất màu không có, nước ngọt cũng không… Thiếu tướng Hoàng Kiền tự đặt câu hỏi "Tại sao chúng ta không mang đất màu ra đảo?".

Ý tưởng đã có, vấn đề lớn nhất là trồng rau không phải nhiệm vụ của công binh. Cấp trên không giao cho ông việc này, nếu xung phong làm thì nhất định phải thắng lợi. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ ông quyết định đem việc này ra bàn với Ban chỉ huy Trung đoàn vì nó liên quan đến việc phối hợp trên tàu. Trước ý tưởng của ông, Đảng ủy Trung đoàn họp và thống nhất đưa vào nghị quyết "mang đất ra Trường Sa giúp bộ đội trồng rau. Lực lượng công binh có nhiệm vụ chuẩn bị và chuyển đất lên tàu".

Bộ đội có hàng chục điểm đóng quân nên lượng đất đem ra các đảo không ít. Trung đoàn Công binh Hải quân 83 thì đóng quân ở Đà Nẵng, tàu ở Nha Trang mà Nha Trang thì không có đất màu. Vì vậy, ông chỉ đạo anh em sử dụng xe rùa lên rừng xúc đất màu rồi đóng thành bao mang lên tàu, đem ra đảo. Táo bạo, dám nghĩ dám làm, Thiếu tướng Hoàng Kiền đã thành công. Mỗi một chuyến tàu, ông gửi khoảng sáu đến bảy tấn đất. Vận chuyển đất lên tàu đã khó, đưa đất lên đảo lại càng khó hơn. Đa số điểm đảo đều cách xa đất liền. Các đảo độc lập, chưa có cầu cảng nên các tàu đều neo ở rất xa. Từ tàu phải thả dây vào đến đảo, rồi dùng bè chuyên chở từng bao đất.

"Sau khi đưa được đất ra đảo, tôi nghĩ cách quy hoạch, đối với đảo to thì xây vườn, công binh giúp thiết kế các tấm vách che vì gió thổi rất mạnh. Còn đảo nhỏ thì đào hố trồng mướp, bầu cho leo lên giàn. Xây bể để tận dụng nước mưa tưới rau" - Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết thêm. Và rồi ông cho gieo hạt giống rau. Sau vài ba tuần hồi hộp chờ đợi, những mầm rau bắt đầu nhú lên, vui mừng khôn xiết bởi biết ý tưởng đã thành công. Từ đây, các bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã được cải thiện... Đã hơn 20 năm nghỉ công tác tại Trung đoàn Công binh 83 nhưng giờ nhớ lại ông thấy vô cùng ấm áp.

Ngọc Thi