Phát động ngày vi chất dinh dưỡng 2015
Xã hội - Ngày đăng : 19:10, 25/05/2015
Ngày vi chất dinh dưỡng năm nay có chủ đề "Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng và phát triển của trẻ".
Theo Bộ Y tế, hiện nay, Việt Nam đã đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi trước thời hạn, hệ thống tổ chức được kiện toàn và củng cố, các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng đã đi vào nề nếp. Tuy vậy, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta vẫn còn cao so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Tại lễ phát động ngày vi chất dinh dưỡng 2015 |
Tính đến năm 2014, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân hiện vẫn ở mức 14,5% và thấp còi là 24,9%. Tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai vẫn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Do vậy, công tác phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở nước ta cần được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6) đã được tổ chức thường niên trên phạm vi cả nước. Hàng năm, có tới trên 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi được bổ sung vitamin A liều cao (2 lần/năm). Việt Nam đã thanh toán được tình trạng khô mắt gây mù lòa ở trẻ em do thiếu vitamin A, tỷ lệ trẻ bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng cũng giảm dần qua các năm; các hoạt động tuyên truyền phòng chống thiếu máu do thiếu sắt, thiếu i ốt... đã và đang được thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong của trẻ, được cộng đồng hưởng ứng cao.
Để triển khai có hiệu quả ngày vi chất dinh dưỡng năm 2015, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 với tầm nhìn 2030, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn và triển khai có hiệu quả hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ trong độ tuổi trong ngày vi chất dinh dưỡng 1-2 tháng 6 năm nay; đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; tăng cường truyền thông giáo dục dinh dưỡng, nâng cao kiến thức của người dân về thực hành, xây dựng bữa ăn cân đối, hợp lý và đảm bảo vệ sinh thực phẩm; tiếp tục khống chế tình trạng thừa cân/béo phì và các bệnh rối loạn chuyển hóa liên quan đến dinh dưỡng, ưu tiên nguồn lực, thu hẹp khoảng cách suy dinh dưỡng trẻ em giữa các vùng miền.